Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2023
Tạp chí Tòa án nhân dân số 11, kỳ I tháng 6 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 6 năm 2023. Đây là ấn phẩm đặc biệt được thiết kế với hình thức đẹp, nội dung phong phú để chào mừng kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 12 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2023, cụ thể như sau:
Bài viết “Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022” của tác giả Nguyễn Hòa Bình tập trung phân tích những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Trên cơ sở đó, bài viết kết luận đây là những nội dung quan trọng, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Bài viết “Hiệu quả của hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến” của tác giả Nguyễn Hữu Chính tập trung phân tích nhận thức về hiệu quả của hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án theo quy định của pháp luật; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn; từ đó đưa ra một số giải pháp khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Bài viết “Bàn về việc nâng cao hiệu quả của việc xây dựng và triển khai Tòa án điện tử ở Việt Nam”, tác giả Vũ Thúy Hòa nêu nhận định: “Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lựa chọn xây dựng Tòa án điện tử là lựa chọn thích hợp và cần thiết. Xây dựng và vận hành Tòa án điện tử là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt là trong giai đoạn toàn thế giới (trong đó có Việt Nam) phải đối mặt với đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua. Chính vì thế, việc xây dựng Tòa án điện tử được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và hệ thống Tòa án nhân dân đặc biệt chú trọng, trong đó đã tiến hành khâu chuẩn bị về cơ sở pháp lý, về hạ tầng công nghệ, về con người… Vì vậy, việc xây dựng Tòa án điện tử đang được dần hiện thực hóa trong thực tiễn và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện. Với mong muốn giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về hoạt động xây dựng và triển khai Tòa án điện tử tại Việt Nam, bài viết tập trung phân tích về những yếu tố tác động (những thuận lợi và khó khăn); trên cơ sở đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong thực tiễn, đáp ứng tốt nhất yêu cầu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã kỳ vọng đối với hệ thống Tòa án nhân dân.
Với bài viết ““Trợ lý ảo Tòa án” - công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động của Tòa án điện tử”, tác giả Ngô Hoài Thương cho rằng: “Trong thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã có những cải cách mang tính đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động Tòa án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tiếp cận công lý cho người dân. Bài viết phân tích một số vấn đề khái quát chung về Trợ lý ảo và việc ứng dụng phần mềm Trợ lý ảo trong hoạt động của Tòa án nhân dân.
Bài viết “Thực trạng hòa giải tranh chấp đất đai tại Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Trần Linh Huân và Nguyễn Phước Thạnh nêu đánh giá: “Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp phổ biến ở Việt Nam hiện nay. So với các tranh chấp khác, tranh chấp đất đai khá phức tạp và thường phải giải quyết bằng việc kết hợp nhiều phương thức khác nhau, trong đó có hòa giải. Hòa giải được xem là phương pháp ôn hòa, đặt ý chí các chủ thể trong tranh chấp là trọng tâm, nhằm hạn chế một cách tối đa những thiệt hại có thể xảy ra trên thực tế”. Bài viết khái quát các vấn đề lý luận về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai, phân tích làm rõ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định, cũng như thực thi áp dụng pháp luật về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai và từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng phương thức này trong giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay.
Bài viết “Bàn về quyền yêu cầu, quyền đề nghị định giá tài sản của người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự” của tác giả Thái Chí Bình bàn về quyền yêu cầu, quyền đề nghị định giá tài sản của người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Bài viết “Kháng cáo quá hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự - khó khăn và đề xuất, kiến nghị” của tác giả Dương Minh Út và Nguyễn Bé Thơ nêu nhận định: “Kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm dân sự của Tòa án là một trong các quyền cơ bản của đương sự. Khi không đồng ý với bản án, quyết định dân sự sơ thẩm của Tòa án thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại. Để bảo đảm tối đa quyền kháng cáo, Bộ luật Tố tụng dân sự còn có quy định về kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn. Bài viết phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thời gian tới.
Trong bài viết “Một số vấn đề về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở nước ta hiện nay”, tác giả Nguyễn Thị Hường phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; đánh giá thực trạng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Bài viết “Hành vi tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng” của tác giả Nguyễn Thanh Quyên tập trung phân tích những vấn đề chung về tham nhũng; quan niệm và cơ sở xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Bài viết “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú - lý luận, thực tiễn và những bất cập trong công tác xét xử, thi hành án” của tác giả Trần Thị Ngọc Hà viết: “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong quá trình áp dụng quy định về lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú hiện đang tồn tại một số bất cập, gây không ít khó khăn trong công tác xét xử và thi hành án. Bài viết phân tích về mặt lý luận, thực tiễn và những vướng mắc khi áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại, bảo đảm việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này hiệu quả hơn.
Bài viết “Một số hạn chế trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin về đất đai ở Việt Nam hiện nay và giải pháp hoàn thiện” của tác giả Bùi Thị Thuận Ánh có viết: “Thông tin về đất đai có giá trị rất quan trọng. Việc thiếu minh bạch thông tin đất đai có thể dẫn đến gia tăng cơ hội tham nhũng, khiến công dân, các doanh nghiệp phải tăng chi phí nỗ lực tìm kiếm thông tin. Bài viết chỉ rõ tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin về đất đai; phân tích các hạn chế, vướng mắc trong việc bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế; đồng thời, đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin đất đai ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Bài viết “Một số vướng mắc trong việc thực hiện quy định hợp đồng vô hiệu về hình thức theo Bộ luật Dân sự năm 2015” của tác giả Lưu Thị Bích Hạnh phân tích những quy định về hợp đồng vô hiệu về hình thức và những hạn chế của quy định hợp đồng vô hiệu về hình thức theo Bộ luật Dân sự năm 2015, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện những quy định hợp đồng vô hiệu về hình thức góp phần hoàn thiện pháp luật dân sự, tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng những quy định này trong thực tiễn.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 11, kỳ I tháng 6 năm 2023.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù