Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 13, kỳ I tháng 7 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 7 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 10 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2023, cụ thể như sau:

Bài viết “Một số ý kiến về bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” của tác giả Nguyễn Thị Bích tập trung phân tích một số quy định được sửa đổi, bổ sung về bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: đối tượng tham gia; căn cứ đóng; giới hạn mức đóng tối thiểu, tối đa; xác định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm; chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên cơ sở đó, bài viết bình luận và góp ý để hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Bài viết “Hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” - phương thức, thủ đoạn và một số kiến nghị”, tác giả Phan Thị Thanh Hải nêu nhận định: “Trong những năm gần đây, trên cả nước, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống của lực lượng chức năng và trật tự quản lý kinh tế. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra là nguyên nhân gây bất ổn cho nền kinh tế, an ninh tiền tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình; các doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, thua lỗ”. Bài viết trình bày khái quát tình hình, phân tích các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; đồng thời, đưa ra các kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Bài viết “Một số bất cập của Luật Tố tụng hành chính quy định về thẩm quyền của Tòa án kiến nghị việc xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Dương Hồng Thị Phi Phi phân tích một số bất cập trong quy định của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án kiến nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị về vấn đề này.

Bài viết “Một số ý kiến về áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” của tác giả Đinh Minh Lượng viết: “Điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đây là quy định được kế thừa từ Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, hiện nay tình tiết “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” chưa được hướng dẫn thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành dẫn đến cách hiểu và áp dụng còn chưa thống nhất, gây khó khăn trong thực tiễn công tác xét xử”. Bài viết đưa ra khái niệm về “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”, đồng thời chỉ ra những ý kiến khác nhau khi áp dụng trong thực tiễn và đề xuất một số kiến nghị để áp dụng pháp luật được thống nhất.

 Trong bài viết “Một số vấn đề về chế định án treo”, tác giả Lê Đình Nghĩa và tác giả Đặng Quang Dũng viết: “Án treo là chế định pháp lý quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam. Đây là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tự cải tạo, giáo dục trở thành công dân có ích cho xã hội, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đáp ứng tốt yêu cầu công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Thực tiễn áp dụng chế định án treo trong công tác xét xử, thi hành án những năm qua đã thể hiện được tính tích cực của chế định này, tuy nhiên cũng bộc lộ một vướng mắc, bất cập”. Bài viết bàn luận những vấn đề lý luận và một số vấn đề còn bất cập trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng chế định án treo, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Bàn về vấn đề rút yêu cầu khởi tố vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm khi một phần bản án đã được thi hành” của tác giả Phạm Văn Tuân bàn về vấn đề rút yêu cầu khởi tố vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm khi một phần bản án đã được thi hành. Trên cơ sở phân tích những khó khăn, vướng mắc về vấn đề này, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật.

Bài viết “Công chứng điện tử - những vấn đề đặt ra đối với trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, hợp pháp của công chứng viên” của tác giả Phan Minh Tiến nêu quan điểm: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ và tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm hoạt động công chứng, đang trở thành một xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu với mục tiêu tiện lợi, nhanh chóng, giảm thời gian, chi phí, nhân lực, việc đi lại và giảm giao dịch trực tiếp. Theo đó, công nghệ thông tin ngày càng được áp dụng mạnh mẽ trong hoạt động công chứng, trong đó có công chứng điện tử. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, hợp pháp của công chứng viên khi thực hiện công chứng điện tử”. Bài viết khái quát về công chứng, công chứng điện tử; phân tích những vấn đề đặt ra đối với trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, tính hợp pháp của công chứng viên trong công chứng điện tử; từ đó kiến nghị một số giải pháp nâng cao trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, tính hợp pháp của công chứng viên trong công chứng điện tử.

Bài viết “Thực trạng thi hành quy định về xóa án tích và một số giải pháp nâng cao hiệu quả về xóa án tích” của tác giả Trần Thị Thu Thủy nêu nhận định: “Xóa án tích là một trong những chế định pháp luật quan trọng, là chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta; mang ý nghĩa nhân văn đối với đời sống xã hội. Việc áp dụng quy định pháp luật về xóa án tích nhằm phát huy tối đa tác dụng, ý nghĩa sâu sắc vốn có của chế định pháp luật hình sự đối với người từng bị kết án là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan thi hành pháp luật”. Bài viết tập trung phản ánh những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động xóa án tích thời gian qua, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị những giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật xóa án tích trong thời gian tới.

Bài viết “Bàn về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tố tụng hình sự và kiến nghị hoàn thiện pháp luật” của tác giả Thiều Hữu Minh bàn về quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự dưới góc nhìn tương quan với quy định về người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có so sánh với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Đồng thời, bài viết chỉ ra khoảng trống pháp lý của quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Thông tư số 46/2019/TT-BCA, từ đó, đề xuất hoàn thiện để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Bài viết “Bãi bỏ án lệ tại Hoa Kỳ và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng áp dụng án lệ tại Việt Nam” của tác giả Trần Linh Huân - Nguyễn Mậu Thương nêu nhận định: “Án lệ là một nguồn luật quan trọng, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trong nền khoa học pháp lý của nhiều quốc gia. So với văn bản quy phạm pháp luật, thì án lệ cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Trong lịch sử pháp lý của Việt Nam, án lệ cũng đã được hình thành từ khá lâu, nhưng từ khi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực, thì những quy định về án lệ mới trở nên quan trọng hơn và có tính áp dụng cao hơn”. Bài viết khái quát vấn đề áp dụng án lệ trong hoạt động tư pháp tại Hoa Kỳ, phân tích làm rõ các trường hợp bãi bỏ án lệ tại quốc gia này, qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng áp dụng án lệ tại Việt Nam.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 13, kỳ I tháng 7 năm 2023.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

                                                                        

BTK