Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết với một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Với bài viết “Quy định của pháp luật về xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi và một số kiến nghị”, tác giả Hoàng Văn Toàn nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định quan trọng về việc định tội danh, quyết định hình phạt và đặc biệt là thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Các quy định trên thể hiện sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật đối với việc giải quyết các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, hiện nay, các Thẩm phán xét xử các vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi là bị cáo, bị hại, người làm chứng chưa được đào tạo về tâm lý và giáo dục, do đó sẽ gặp phải những hạn chế nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự tại Tòa gia đình và người chưa thành niên. Bài viết này tác giả tập trung làm rõ một số quy định của pháp luật về xét xử các vụ án có người dưới 18 tuổi, đặc biệt là các quy định của pháp luật và yêu cầu đối với chủ thể xét xử các vụ án nói trên. Từ đó đưa ra một số kiến nghị về việc đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử các vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi là bị cáo, bị hại, người làm chứng.

Trong bài viết: “Hoàn thiện quy định về các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi, góp phần bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự", tác giả Nguyễn Viết Tăng cho rằng: Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội của người dưới 18 tuổi diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và đang là vấn đề mang tính thời sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp ngăn chặn nhằm phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Bài viết phân tích những điểm bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nội dung này, góp phần bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự.

Với bài viết “Đăng ký quyền tài sản theo pháp luật Việt Nam hiện nay”, tác giả Nguyễn Thị Hường cho rằng: Đăng ký quyền tài sản là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thông tin cần thiết của sự kiện là một căn cứ làm phát sinh hoặc thay đổi hoặc chấm dứt những quan hệ về quyền tài sản giữa các chủ thể. Hay nói cách khác, đăng ký là một bằng chứng công nhận sự bắt đầu của một quyền được xác lập hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định liên quan đến quyền tài sản. Trong nội dung bài viết, tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về đăng ký quyền tài sản, chỉ ra một số bất cập trong các quy định của pháp luật về vấn đề này, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về đăng ký quyền tài sản ở Việt Nam hiện nay. 

Trong bài viết “Về một số hạn chế, vướng mắc trong quy định về hình phạt áp dụng đối với tội “vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Thành Minh tập trung phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về hình phạt áp dụng đối với “tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép”; từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện về nội dung này.

Với bài viết “Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính ”, tác giả Nguyễn An Khôi cho rằng: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện.

Trong bài viết “Pháp nhân thương mại tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và một số kiến nghị”, tác giả Phan Thành Nhân nhận định: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, trong quá trình áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và pháp luật thực định cũng có một số hạn chế, bất cập, trong đó có quy định về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng. Bài viết phân tích, đánh giá quy định về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng và chỉ ra những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật.

Trong bài viết “Định hướng áp dụng dạy học kết hợp (Blended Learning) trong đào tạo luật ở Việt Nam: vấn đề chính sách và thực tiễn”, tác giả Đoàn Trung Kiên- Tôn Quang Cường nhận định: Dạy học kết hợp (Blended Learning) trong vài năm trở lại đây đang trở thành một xu hướng mới trong quá trình đào tạo. Cùng với việc tạo ra sự chuyển biến, thay đổi về hình thức tổ chức đào tạo một cách linh hoạt, tăng tính chủ động tham gia cho người học, dạy học kết hợp cần được nhìn nhận như một phương thức đào tạo mới – phi truyền thống, tạo nên sự đột phá trên mọi khía cạnh trong đào tạo đại học. Trên cơ sở phân tích một số cơ hội, thách thức trong quá trình áp dụng mô hình dạy học kết hợp trong các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, bài viết đề cập đến các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng triển khai trên thực tiễn nhằm tăng tính hiệu quả của xu hướng này, bao gồm sự công nhận pháp lý về mô hình này; cách tiếp cận hệ thống trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo mô hình dạy học kết hợp; và các điều kiện bảo đảm.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND giới thiệu bài viết “Nguyễn Văn K phạm tội gì?”, của tác giả Phạm Hải Duy. Bài viết đưa ra một tình huống cụ thể còn nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh để cùng bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi, đảm bảo việc hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn.  

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh..

 

BTK