Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 17, kỳ I tháng 9 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2023. Đây là ấn phẩm đặc biệt chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 – 13/9/2023). Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2023, cụ thể như sau:

Bài viết “Xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua và những định hướng, giải pháp trong thời gian tới” của PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu nhận định: “Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, hội nhập quốc tế và đưa nền tư pháp Việt Nam tiệm cận với những nền tư pháp hiện đại, tiên tiến trên thế giới”. Bài viết đánh giá kết quả xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua và định hướng những giải pháp xây dựng Tòa án điện tử trong thời gian tới.

Bài viết “Hoạt động giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài trong pháp luật Việt Nam” của tác giả Đỗ Văn Đại cho rằng: Việc hỗ trợ và giám sát hoạt động trọng tài ở Việt Nam được trao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nhưng hiện nay lại không có cơ chế giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (như không có cơ chế phúc thẩm, giám đốc thẩm/tái thẩm quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về trọng tài). Bài viết cho thấy việc thiếu cơ chế giám sát này dẫn đến nhiều bất cập như áp dụng không thống nhất giữa các Tòa án, có quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh áp dụng sai pháp luật, nhưng lại không có biện pháp khắc phục. Trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài như Pháp và Trung Quốc, bài viết đưa ra những đề xuất ngắn hạn, cũng như lâu dài trong hoạt động giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài ở Việt Nam.

Bài viết “Đổi mới thủ tục xét hỏi, nâng cao chất lượng tranh luận tại phiên tòa - giải pháp góp phần nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự” của tác giả Phí Thành Chung nghiên cứu nội hàm tranh tụng trong xét xử các vụ án hình sự với cách tiếp cận tranh tụng là thủ tục tố tụng tại phiên tòa, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; xác định các yêu cầu cần đổi mới và nâng cao chất lượng xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Bài viết “Hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp về môi trường bằng phương thức Tòa án tại Việt Nam hiện nay” của tác giả Bùi Đức Hiển tập trung chỉ ra một số bất cập trong quy định và thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp về môi trường bằng phương thức Tòa án và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp về môi trường bằng Tòa án tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bài viết “Xu hướng mở rộng sự giám sát của Tòa án đối với các văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước”, tác giả Bùi Tiến Đạt nêu nhận định: “Pháp luật tố tụng hành chính thể hiện triết lý về sự giám sát của Tòa án đối với các văn bản, hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động hành chính. Các văn bản chịu sự giám sát không chỉ là các quyết định hành chính, mà còn mở rộng đến xem xét, đánh giá tính hợp pháp của các văn bản hành chính và xem xét, đánh giá tính hợp hiến, tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp”. Bài viết này luận giải xu hướng mở rộng quyền giám sát của Tòa án đối với các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 được ban hành và phân tích những vấn đề đặt ra từ xu hướng này.

Bài viết “Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án liên quan đến quyền đối với bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam: Thực tiễn xét xử” của các tác giả Lưu Tiến Dũng, Đặng Khải Minh, Đỗ Khôi Nguyên, Phạm Minh Thắng viết: “Thực tiễn xét xử một số vụ án cho thấy, vấn đề thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp liên quan đến quyền đối với bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam thường được xem xét trong các vụ việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định nước ngoài. Đối với các vụ việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài thì đây không phải là cơ sở để xem xét công nhận và cho thi hành. Đối với việc hủy phán quyết trọng tài trong nước, Tòa án cũng không dựa vào thẩm quyền riêng biệt của Tòa án mà căn cứ vào pháp luật trọng tài hiện nay để xác định trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó hay không”. Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung phân tích quy định của pháp luật, phân tích, luận bàn về thực tế giải quyết một số vụ án, từ đó đưa ra kết luận và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án liên quan đến quyền đối với bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.

Bài viết “Chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc - tiếp cận trên phương diện thực thi tiêu chuẩn lao động quốc tế về chống phân biệt đối xử trong bối cảnh hội nhập” của tác giả Hoàng Thị Minh Tâm viết: “Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Điển hình như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Các Hiệp định này không thuần túy là những cam kết trong lĩnh vực thương mại mà còn bao gồm cả lĩnh vực lao động và nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực lao động, điểm chung của các Hiệp định này là yêu cầu các nước tham gia phải nội luật hóa và bảo đảm thực thi những quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1988 của ILO ((1) Quyền tự do hiệp hội (tự do liên kết) và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; (2) Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; (3) Loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và (4) Chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.). Trong đó, quyền được làm việc trong môi trường an toàn, chống lại mọi hành vi phân biệt đối xử là một trong những quyền cơ bản của người lao động”. Bài viết phân tích những nội dung tương thích giữa pháp luật lao động Việt Nam hiện hành với quy định của ILO, bên cạnh đó cũng chỉ ra những nội dung cần rà soát và hoàn thiện nhằm hướng đến xóa bỏ các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bảo đảm thực thi cam kết về chống phân biệt đối xử trong quan hệ lao động.

Bài viết “Quyền tác giả và trí tuệ nhân tạo trong cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư - kinh nghiệm một số quốc gia và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam” của tác giả Đào Thị Vui và Nguyễn Lê Minh Hạnh viết: “Cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, có tác động sâu sắc và rộng rãi đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ngày 26/01/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Bài viết tập trung giải quyết hai vấn đề: (i) trách nhiệm pháp lý khi trí tuệ nhân tạo xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của chủ thể khác và (ii) bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Trên Tạp chí TAND số 17, chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc Kỳ I của bài viết, phần còn lại xin đăng tải trên Tạp chí TAND số 18 năm 2023.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK