Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 21, kỳ I tháng 11 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2022. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 06 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 21, cụ thể như sau:

Bài viết “Chấm dứt hôn nhân thực tế theo Án lệ số 41/2021/AL” của tác giả Huỳnh Thị Nam Hải nêu nhận định: “Tình trạng nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại từ rất lâu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Dưới góc độ pháp lý, tại Việt Nam, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn có thể được hiểu là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội, nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ra đời, trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng có đủ điều kiện kết hôn, nhưng không thực hiện việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn được gọi là “hôn nhân thực tế”. Trong bài viết này, tác giả tập trung giới thiệu một số vấn đề chung về hôn nhân thực tế cũng như nội dung và ý nghĩa của giải pháp pháp lý được đưa ra trong Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế.

Trong bài viết “Bàn về sự tham gia tố tụng của nhà trường, tổ chức quy định tại Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” tác giả Nguyễn Đình Tiến và tác giả Võ Văn Tuấn Khanh cho rằng: “Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ngoài bổ sung nhiều quy định mới về người đại diện của người dưới 18 tuổi thì còn có nhiều quy định về sự tham gia của nhà trường, tổ chức trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.”. Trong bài viết, các tác giả phân tích quy định của pháp luật về sự tham gia tố tụng của nhà trường, tổ chức theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; từ đó chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật và đề xuất hướng hoàn thiện.

Trong “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính”, hai tác giả Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm: Phạt tiền “là hình phạt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống các hình phạt chính, nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Việc áp dụng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính trong nhiều trường hợp sẽ giúp cho việc cá thể hóa hình phạt ở mức cao mà khi áp dụng các loại hình phạt chính khác khó có thể đạt được mục đích của hình phạt. Bộ luật Hình sự hiện hành đã có một số thay đổi so với Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có các quy định về hình phạt tiền. Một trong những điểm nổi bật đó là việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền. Việc mở rộng này nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”. Đồng thời, cũng nhằm đáp ứng thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các tội phạm kinh tế và các tội phạm khác mà mục đích của người phạm tội hướng tới lợi nhuận tăng; cũng như phù hợp với xu hướng quy định về hình phạt của các quốc gia trên thế giới.” Từ đó, các tác giả nêu một số bất cập cần được hoàn thiện về quá trình áp dụng quy định về phạt tiền với tính chất là hình phạt chính đối với người phạm tội của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Bài viết “Nguyên nhân tình hình tội phạm ở đô thị trên thế giới: từ góc nhìn nhân quyền” các tác giả Nguyễn Xuân Thủy và Đỗ Vọng Linh tập trung phân tích tình trạng tội phạm ở đô thị, nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tội phạm ở đô thị từ góc nhìn nhân quyền, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hạn chế, kiểm soát được tình hình trên.

Trong bài viết “Kiểm soát việc ban hành các quy định về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hành chính theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” tác giả Bùi Lệ Quyên nêu quan điểm: “Tại Việt Nam, truy cứu trách nhiệm hành chính là một hoạt động quản lý nhà nước cụ thể thông qua việc Nhà nước buộc các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi. Việc Nhà nước quy định các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền dễ dàng phân hóa mức độ trách nhiệm hành chính của các chủ thể vi phạm pháp luật trong từng trường hợp cụ thể, từ đó thực hiện được yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm hành chính. Trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần thiết có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, bảo đảm pháp luật được ban hành đáp ứng các yêu cầu trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.”. Trong nội dung bài viết, tác giả phân tích cụ thể về sự cần thiết kiểm soát việc ban hành các quy định về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hành chính và một số hạn chế, bất cập trong quy định về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hành chính khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu tới bạn đọc bài viết tổng hợp các ý kiến xoay quanh việc xác định tội danh trong một tình huống cụ thể đã đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 04/2021 – bài viết “Về bài viết “Nguyễn Thị T phạm tội gì?””.

 Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 21, kỳ I tháng 11 năm 2022!

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK