Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2022
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22, kỳ II tháng 11 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2022. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 22, cụ thể như sau:
Bài viết “Xây dựng Tòa án phục vụ Nhân dân, mang lại công lý cho Nhân dân” của PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình nêu nhận định: “Sau 20 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng, hệ thống tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của cơ quan tư pháp. Tòa án được khẳng định là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013; pháp luật về tư pháp từng bước được hoàn thiện theo hướng tăng cường tranh tụng trong xét xử, tăng tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng…”. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung cơ bản của Chiến lược cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng ở nước ta hiện nay, từ đó định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng Tòa án phục vụ Nhân dân, mang lại công lý cho Nhân dân.
Trong bài viết “Bất cập trong quy định của pháp luật về xây dựng bảng giá đất”, tác giả Lê Ngọc Anh cho rằng: “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh xây dựng dựa vào khung giá đất và các nguyên tắc định giá đất tại Điều 112 Luật Đất đai năm 2013: (i) theo mục đích sử dụng hợp pháp tại thời điểm định giá; (ii) theo thời hạn sử dụng đất; (iii) phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường; (iv) cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng bảng giá đất áp dụng các phương pháp định giá đất tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 4 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất (đó là các phương pháp định giá đất: so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập và thặng dư). Không áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để làm căn cứ xây dựng bảng giá đất, bởi vì phương pháp này được sử dụng để xác định giá đất cụ thể. Như vậy, tùy theo từng loại đất mà áp dụng những phương pháp phù hợp cho việc xây dựng bảng giá đất, trường hợp cần thiết có thể áp dụng kết hợp các phương pháp định giá đất để kiểm tra, so sánh, đối chiếu và quyết định giá đất. Tuy nhiên, để lựa chọn và áp dụng các phương pháp phù hợp thì các thông tin thu thập về giá thị trường phải chuẩn xác.” Bài viết này tác giả tập trung phân tích khái quát về bảng giá đất, quy định pháp luật về xây dựng bảng giá đất và một số bất cập của pháp luật về xây dựng bảng giá đất, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Trong bài viết “Giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thị Khánh Ngọc đề cập đến việc giải quyết xung đột pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam.
Với bài viết “Bàn về giao dịch quyền sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng”, tác giả Bùi Ai Giôn và tác giả Ngô Thị Tuyết Thanh nêu quan điểm: Luật Đất đai hiện hành ghi nhận khả năng gia hạn khi quyền sử dụng đất hết hạn. Nói cách khác, có những trường hợp quyền sử dụng đất có thời hạn và khi hết thời hạn, người sử dụng đất có khả năng được gia hạn. Về vấn đề nay, có quan điểm cho rằng: “Luật Đất đai năm 2013 đã cho phép gia hạn tự động và cơ quan nhà nước chỉ xác nhận việc gia hạn khi có yêu cầu”. Trong bài viết, các tác giả tập trung phân tích quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất hết thời hạn, thực trạng giải quyết các tranh chấp về giao dịch quyền sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng và đưa ra đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.
Trong bài viết “Không thể phủ nhận sự độc lập của Tòa án trong xét xử các vụ án ở Việt Nam”, tác giả Tăng Thị Thu Trang nêu nhận định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam lấy Tòa án là trọng tâm, nên những năm gần đây tổ chức bộ máy và hoạt động của Tòa án có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, lợi dụng diễn biến xét xử một số vụ án của Tòa án Việt Nam, một số cơ quan truyền thông quốc tế, các trang mạng phản động hải ngoại và mạng xã hội đã đăng tải các bài viết phân tích theo hướng suy diễn, xuyên tạc về cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam. Bài viết chỉ ra những luận điệu xuyên tạc và phân tích, phản bác các luận điệu đó trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam.”.
Với bài viết “Quyền giải công của người sử dụng lao động”, tác giả Trương Thị Thanh Trúc cho rằng: “Trong cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể, pháp luật các nước cho phép tập thể người lao động có quyền thực hiện hành động công nghiệp để tạo áp lực kinh tế nhằm buộc người sử dụng lao động nhượng bộ các yêu sách của mình như đình công, lãn công, tẩy chay, chiếm xưởng, tụ tập trước nơi làm việc,… trong đó đình công là hình thức phổ biến nhất được công nhận trong pháp luật các nước. Ngược lại, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, pháp luật lao động một số quốc gia cho phép người sử dụng lao động sử dụng quyền giải công (lockout) với nhiều hình thức, tên gọi khác nhau. Bài viết tập trung luận bàn về quyền giải công của người sử dụng lao động trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.”. Bài viết nêu khái quát chung về quyền giải công của người sử dụng lao động, thực trạng pháp luật lao động Việt Nam về ghi nhận quyền giải công của người sử dụng lao động và một số kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền đóng cửa tạm thời nơi làm việc của người sử dụng lao động.
Với bài viết “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép – một số hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Phan Ngọc Sơn phân tích quy định của Bộ luật Hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; một số hạn chế, vướng mắc trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội phạm này và đề xuất, kiến nghị để khắc phục những hạn chế và vướng mắc.
Bài viết “Pháp luật Việt Nam về chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp – những bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Lê Hồng Phước có viết: “Tương tự các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu luôn mang tính độc quyền và được Nhà nước thiết lập cơ chế bảo hộ cho sự độc quyền đó. Về nguyên tắc, trong phạm vi quyền, chủ sở hữu có quyền khai thác thương mại đối tượng quyền sở hữu công nghiệp một cách trực tiếp thông qua việc sản xuất sản phẩm mới hoặc cải tiến công nghệ hoặc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (còn được gọi là li-xăng) cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Tuy nhiên, để hạn chế sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu trong việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cũng như bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích chung của xã hội, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã xây dựng các quy định về hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.”. Bài viết của tác giả nêu một số bất cập trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Bài viết “Nguyễn Hoàng D phạm tội gì?” của tác giả Trần Quang Thái trong chuyên mục Trao đổi ý kiến nêu các quan điểm về tuyên bố của Hội đồng xét xử trong vụ án liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 22, kỳ II tháng 11 năm 2022!
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao