Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Lịch sử lập pháp liên quan đến tội phạm đánh bạc và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thùy nêu nhận định: “Những năm gần đây, tội phạm đánh bạc đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội. Đánh bạc đã lan rộng khắp các tỉnh, thành phố, từ nông thôn đến thành thị, với đủ các thành phần trong xã hội, thậm chí, cả các cán bộ, công chức nhà nước, các trí thức có trình độ học vấn cao. Nhiều vụ đánh bạc có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước nói chung và các địa phương nói riêng.” Bài viết tiếp cận theo hướng hoàn thiện pháp luật về tội đánh bạc với ý nghĩa là một biện pháp phòng ngừa nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Bài viết “Việc xử lý số tiền sử dụng để mua bán trái phép chất ma túy” của tác giả Bùi Huy Trung nêu nhận định: “Biện pháp tư pháp là một trong các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự. Cùng với việc quyết định về hình sự đối với người phạm tội, Tòa án phải áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm... Tuy không phải là quyết định về hình phạt, nhưng việc xử lý này rất quan trọng, góp phần giải quyết toàn diện, triệt để vụ án. Trong thực tiễn xét xử, vấn đề áp dụng biện pháp xử lý đối với số tiền sử dụng để mua bán trái phép chất ma túy còn có nhận thức khác nhau, chưa thống nhất khi áp dụng”. Bài viết tập trung phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về việc xử lý số tiền được sử dụng để mua bán trái phép chất ma túy; nêu ra một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định này.
Bài viết “Chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Hải trình bày: “Chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đang được tiến hành trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chuyển đổi số cơ bản có thể chia làm các loại sau: chuyển đổi số trong xã hội, chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.” Nội dung bài viết trình bày một số vấn đề về lý luận, cơ sở pháp lý, mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp; thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp.
Bài viết “Xây dựng phẩm chất liêm chính cho đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Vũ Đình Năm tập trung phân tích những nội dung cơ bản của quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đức liêm, chính và phân tích vai trò của Thẩm phán trong việc nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp; từ đó, đề xuất việc xây dựng phẩm chất “liêm chính” cho đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Bài viết “Quy tắc logic trong kỹ thuật lập pháp - một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam” của tác giả Đỗ Thị Bảo Yến nêu nhận định: “Những năm gần đây, kỹ thuật lập pháp là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm và nghiên cứu. Hoạt động xây dựng, ban hành và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia. Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp, tạo ra những quy định pháp luật chuẩn mực cả về hình thức và nội dung nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động xây dựng pháp luật càng là nhiệm vụ cấp thiết.” Bài viết tổng quát một số vấn đề lý luận về quy tắc logic trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham chiếu vào một số quy định pháp luật hiện hành để hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò và hiệu quả của quy tắc trên, từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo đảm quy tắc logic trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện kỹ thuật lập pháp nói chung tại Việt Nam.
Bài viết “Vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người” của tác giả Lê Thị Thu Thảo cho rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu đang xây dựng và hoàn thiện xã hội dân chủ thì bảo vệ quyền con người là vấn đề quan trọng cần được thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Trong xu thế đó, các chủ thể được giao trách nhiệm bảo vệ quyền con người cũng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng hoạt động. Trong các chủ thể đó, không thể không nhắc tới Tòa án - cơ quan thực hiện chức năng tư pháp (xét xử). Hệ thống pháp lý của các quốc gia cũng đều thừa nhận vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ công lý gắn liền với bảo vệ quyền con người.” Bài viết này làm rõ ưu thế của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người so với các chủ thể khác, cũng như phân tích các hoạt động của Tòa án nhằm bảo vệ quyền con người; từ đó có những kiến nghị nhằm nâng cao nhiệm vụ này của Tòa án tại Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Thị Thùy Liên nêu đánh giá trong bài viết “Quy định của pháp luật về hoạt động phát hiện, thu thập thông tin, xác minh nguồn tin về tội phạm trốn thuế”: “Phát hiện, thu thập thông tin, xác minh nguồn tin về tội phạm là hoạt động quan trọng mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thực hiện khi tiếp nhận thông tin về tội phạm. Thực tế cho thấy, đối với một số tội phạm có tính chất phức tạp, trong đó có tội phạm trốn thuế thì quá trình phát hiện, thu thập thông tin, xác minh nguồn tin về tội phạm không đơn giản, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như tính chất phức tạp của hành vi; khó khăn trong việc thu thập, bảo quản, đánh giá chứng cứ,… do vậy, việc bám sát các quy định của pháp luật có liên quan là điều cần thiết, bảo đảm cho quá trình xử lý, giải quyết đạt được hiệu quả.” Bài viết trình bày quy định của pháp luật và thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật về phát hiện, thu thập thông tin, xác minh làm rõ nguồn tin về tội phạm trốn thuế, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.
Với bài viết “Lê Ngọc M phạm tội gì?”, tác giả Lê Đình Nghĩa nêu các quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với Lê Ngọc M trong một tình huống cụ thể.
Tác giả Hồ Minh Thành nêu nhận định trong bài viết “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo - kinh nghiệm của Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam”: “Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) trong ngành công nghiệp sáng tạo đã dẫn đến các cuộc tranh luận toàn cầu về việc công nhận các tác phẩm do AI tạo ra (AI-Generated Works). Trong khi nhiều quốc gia từ chối công nhận các sản phẩm đó, một số Tòa án của Trung Quốc lại có cách giải quyết khác biệt.” Bài viết này tập trung phân tích một số bản án của các Tòa án Trung Quốc liên quan đến các tác phẩm do AI tạo ra. Đây là những bản án thể hiện sự thay đổi của Trung Quốc trong việc công nhận tác phẩm do AI tạo ra. Bằng cách phân tích những vụ án mang tính bước ngoặt này, bài viết xác định được những nhận định, quan điểm từ cách tiếp cận của Trung Quốc; từ đó đưa ra các khuyến nghị phù hợp để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự công nhận, bảo vệ và thương mại hóa phù hợp các tác phẩm do AI tạo ra.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 kỳ II tháng 11 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Khai mạc Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL: “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"