Giới thiệu nội dung cơ bản của Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 23, kỳ I tháng 12 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2022. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 06 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 23.

 

Bài viết “Bằng chứng kỹ thuật số/bằng chứng nguồn mở: thách thức tiêu chuẩn bằng chứng của Tòa án hình sự quốc tế” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh nêu nhận định: “Khi công nghệ phát triển, các công cụ mới liên tục được tung ra làm thay đổi bản chất và tính sẵn có của bằng chứng tại Tòa án. Xét đến bản chất đặc biệt có lợi của bằng chứng kỹ thuật số/bằng chứng nguồn mở, cái gọi là điều tra từ các nguồn mở đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Bằng chứng kỹ thuật số/bằng chứng nguồn mở có thể ở dạng ảnh, video và bản ghi âm, email, blog và phương tiện truyền thông xã hội đang đặt ra những thách thức đối với tiêu chuẩn bằng chứng của Tòa án Hình sự Quốc tế, mà thay đổi tùy thuộc vào các giai đoạn của một cuộc điều tra hoặc một thủ tục tố tụng. Trong bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu các tiêu chuẩn về độ tin cậy, tính khách quan và tính xác thực áp dụng cho bằng chứng theo Quy tắc về Thủ tục và Bằng chứng của Tòa án Hình sự Quốc tế để xem xét liệu cách tiếp cận với bằng chứng nguồn mở có nên thay đổi hay không theo giai đoạn tố tụng. Liệu có phải trách nhiệm chứng minh càng cao thì sức nặng của bằng chứng kỹ thuật số/bằng chứng nguồn mở càng thấp? Từ đó tác giả đưa ra gợi mở các cân nhắc trong tương lai đối với bằng chứng kỹ thuật số và bằng chứng có nguồn gốc công nghệ.”.

Trong bài viết “Một số ý kiến về phạm tội có tính chất chuyên nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, tác giả Nguyễn Thị Minh Trâm tập trung phân tích khái niệm phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, một số vấn đề cần lưu ý khi phân biệt tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và mối tương quan với một số tình tiết khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò của tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và một số kiến nghị hoàn thiện tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Với bài viết “Bàn về các hình thức nhiều tội phạm và quyết định hình phạt”, tác giả Nguyễn Thị Hồng Hà nêu quan điểm: Nhiều tội phạm trong thực tiễn được thể hiện qua các hình thức phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần (phạm tội từ 02 lần trở lên), tái phạm, tái phạm nguy hiểm và trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Khi quyết định hình phạt trong trường hợp nhiều tội phạm, ngoài các nguyên tắc chung thì cần phải chú trọng tới các nguyên tắc đặc thù như nguyên tắc thu hút hình phạt, nguyên tắc cộng hình phạt, nguyên tắc cùng tồn tại hình phạt, nguyên tắc quyết định hình phạt bổ sung”. Bài viết này tác giả phân tích các hình thức nhiều tội phạm và các nguyên tắc quyết định hình phạt trong trường hợp nhiều tội phạm.

Với bài viết “Hoàn thiện pháp luật về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay”, tác giả Nguyễn Tuấn Hiệp nêu thực tiễn thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên. Từ đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên ở Việt Nam.

Trong bài viết “Quy định về chuyển rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa theo pháp luật thương mại Việt Nam – một số tồn tại và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Ngô Hương Ly có viết: Hoạt động mua bán hàng hóa, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đã và đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Luật Thương mại năm 2005 đã quy định về chuyển rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này đã tỏ ra không còn phù hợp với thực tiễn, bộc lộ một số tồn tại nhất định và chưa phù hợp với pháp luật quốc tế. Bài viết phân tích, đánh giá một số vướng mắc, bất cập của các quy định về chuyển rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Với bài viết “Quy định về người làm chứng trong pháp luật tố tụng hình sự một số quốc gia trên thế giới”, tác giả Cao Thanh Hùng có viết: “Chế định người làm chứng đã được ghi nhận từ khá sớm trong pháp luật hình sự các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Người làm chứng là một chủ thể tham gia tố tụng có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự của các quốc gia trên thế giới đều quy định về tư cách tham gia tố tụng của người làm chứng nhằm bảo đảm hiệu quả của các hoạt động tố tụng, góp phần giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm quyền con người của người làm chứng trong quá trình tố tụng hình sự. Trong bài viết, tác giả lựa chọn việc nghiên cứu chế định người làm chứng trong pháp luật tố tụng hình sự của một số nước: Nga, Đức, Nhật Bản, Italia, Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu quy định về người làm chứng trong tố tụng hình sự một số quốc gia trên thế giới có ý nghĩa quan trọng cho việc học hỏi, tiếp thu những ưu điểm, tiến bộ trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự của một số nước về người làm chứng, từ đó, góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về chủ thể này.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 23, kỳ I tháng 12 năm 2022!

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK