Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2022
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, kỳ II tháng 12 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2022. Đây là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, cụ thể như sau:
Bài viết “Tòa án nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm 2022” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tập trung đánh giá những kết quả nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và định hướng những nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác.
Trong bài viết “Xây dựng và hoàn thiện Tòa án điện tử tại Việt Nam”, tác giả Hồ Thị Thanh Trúc và Lê Thùy Khanh nêu nhận định: “Tòa án điện tử là một đột phá trong quản lý công, không chỉ là giải pháp xuất sắc để ứng phó tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh, mà còn là mô hình vận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý công, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra”. Trong bài viết, các tác giả đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển Tòa án điện tử dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện Tòa án điện tử tại Việt Nam.
Với bài viết “Chế định lớn về tội phạm: tiếp cận vấn đề dưới góc độ bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự (phần II)”, tác giả Lê Cảm và Lê Thúy Hiền tập trung phân tích nội hàm chủ yếu của 05 nhóm vấn đề cơ bản tương ứng với 02 chế định nhỏ sau cùng thuộc chế định lớn về tội phạm là: 1) Chế định nhỏ về các giai đoạn thực hiện tội phạm; 2) Chế định nhỏ về đồng phạm và 3) Ba (03) phạm trù lý luận cơ bản (ngoài các chế định nhỏ) thuộc chế định lớn về tội phạm trong khoa học luật hình sự.”
Với bài viết “Những điểm mới về nhập khẩu song song trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022”, tác giả Lê Thị Nam Giang và Nguyễn Trọng Luận có nêu: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhiều quy định mới được ghi nhận trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có những điểm mới về nhập khẩu song song xuất phát từ nguyên tắc cạn quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”. Bài viết này, các tác giả tập trung vào phân tích về cơ sở lý luận của việc nhập khẩu song song và những điểm mới về nhập khẩu song song trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.
Trong bài viết “Một số ý kiến về quy định pháp luật về hợp đồng đào tạo nghề theo Bộ luật Lao động năm 2019”, tác giả Phạm Lê Kiều Duyên nhận định: “Có khẳng định cho rằng “Trong tiến trình phát triển, cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh: Nhân tố con người đóng vai trò quyết định xu hướng vận động của thế giới đương đại”. Điều đó đã khẳng định vai trò mang tính quyết định của nguồn lực con người đến kết quả hoạt động của tổ chức. Vì vậy, việc giữ chân những nhân viên có năng lực là một điều hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, “hiện tượng chảy máu chất xám” đang diễn ra ngày càng phổ biến và mạnh mẽ. Bài viết tập trung phân tích quy định pháp luật về hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, làm rõ nguyên nhân, thực trạng của hiện tượng “chảy máu chất xám” trong doanh nghiệp hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này trên thực tiễn.
Với bài viết “Bảo đảm thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của Bộ luật Hình sự về tội giết người và tội mua bán, chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà và Lê Thị Hương Giang có viết: “Tội giết người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là những tội phạm xảy ra nhiều trong nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”. Trong bài viết, các tác giả nêu quan điểm bảo đảm thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi chung là trong Bộ luật Hình sự năm 2015) về tội giết người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
Bài viết “Một số bất cập về căn cứ chấp dứt quyền hưởng dụng và hậu quả của việc chấm dứt quyền hưởng dụng” của tác giả Trần Thị Cẩm Nhung và Võ Nguyễn Nam Trung tập trung nghiên cứu, làm rõ các quy định của pháp luật về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng, hậu quả của việc chấm dứt quyền này và thực tiễn áp dụng. Từ đó, bài viết chỉ ra những vướng mắc, tồn tại trong các quy định pháp luật và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định này trong thực tiễn.
Bài viết “Thực tiễn công bố bản án, quyết định hình sự trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án” của tác giả Trần Hồng Ca có nêu: “Công bố bản án, quyết định trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án là bước tiến lớn trong quá trình cải cách tư pháp của nước ta. Trong đó, việc công bố bản án, quyết định hình sự có một số điểm khác biệt so với các lĩnh vực khác”. Bài viết tập trung phân tích thực tiễn và một số tồn tại trong công bố bản án, quyết định hình sự trên Trang thông tin điện tử công bố bản ản, quyết định của Tòa án ở Việt Nam, từ đó kiến nghị một số giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Bài viết “Cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền tiếp nhận tin báo về tội phạm, thẩm quyền điều tra các vụ án có tình tiết “ở nước ngoài”, “có yếu tố nước ngoài” – một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Phùng Văn Hà có nêu: “Thời gian vừa qua, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương có cách hiểu và vận dụng không thống nhất về thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án có tình tiết “ở nước ngoài”, “có yếu tố nước ngoài” theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vấn đề này hiện các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến có nhiều cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất và không chính xác”. Bài viết phân tích những quy định của pháp luật về thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và thẩm quyền điều tra vụ án có tình tiết “ở nước ngoài”, “có yếu tố nước ngoài”; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng và từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, kỳ II tháng 12 năm 2022!
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn,hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao