Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, kỳ II tháng 12 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2023. Đây là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 11 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2023, cụ thể như sau:

          Bài viết “Dấu ấn của hệ thống Tòa án năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới” của tác giả Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tập trung đánh giá những kết quả nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và định hướng những nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác.

          Bài viết “Tạp chí Tòa án nhân dân 70 năm xây dựng và phát triển” của tác giả Trần Quốc Việt khái lược về quá trình 70 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí Tòa án nhân dân qua từng giai đoạn; những thành tích của Tạp chí đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

          Trong bài viết “Sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, tác giả Đỗ Đức Hồng Hà viết: “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án”. Với mong muốn đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, bài viết làm rõ thêm sự cần thiết và một số ý kiến liên quan đến sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

          Trong bài viết “Xác định pháp luật điều chỉnh hợp đồng xây dựng”, tác giả Đỗ Văn Đại nêu nhận định: “Luật Xây dựng điều chỉnh hợp đồng xây dựng, nhưng đối với những nội dung Luật Xây dựng chưa có quy định thì cần xác định nguồn luật bổ sung”. Trong bài viết này, tác giả phân tích, làm rõ và kết luận nguồn luật bổ sung điều chỉnh hợp đồng xây dựng khi pháp luật xây dựng không có quy định là Bộ luật Dân sự chứ không phải là Luật Thương mại. Hướng này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận trong một số quyết định giám đốc thẩm và nên được phát triển thành án lệ.      

          Trong bài viết “Đổi mới phương pháp dạy và học tại Học viện Tòa án trước yêu cầu cải cách tư pháp và đổi mới giáo dục đại học hiện nay”, tác giả Nguyễn Văn Nam nêu đánh giá: “Hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo cử nhân luật tại Việt Nam; mỗi cơ sở đào tạo đều có những triết lý và xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo riêng. Tại Học viện Tòa án, chương trình đào tạo cơ bản giống với các cơ sở đào tạo khác. Tuy nhiên, Học viện Tòa án tăng cường đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho sinh viên bằng các phương pháp dạy và học tích cực nhằm phát huy tối đa khả năng, tăng cường năng lực của người học. Người học được học thông qua thực hành trải nghiệm, tăng cường tính tự học, thay học “nông” bằng học “sâu”. Người học được học trong những giờ học thực sự có ý nghĩa thay cho thụ động lắng nghe, ghi chép, truyền thụ một chiều, mang tính áp đặt”. Bài viết trao đổi về phương pháp giảng dạy và học tích cực trong đào tạo cử nhân luật tại Học viện Tòa án, đặc biệt là các học phần pháp luật tố tụng.                                                           

          Bài viết “Phát triển án lệ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm mua bán người” của tác giả Trịnh Xuân Trường nhận định: “Việc xây dựng và áp dụng án lệ đã tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả cho quá trình xét xử, giải quyết các loại vụ án của Tòa án các cấp, trong đó có tội phạm mua bán người - loại tội phạm trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”. Bài viết phân tích ý nghĩa, nội dung của Án lệ số 65/2023/AL và Án lệ số 66/2023/AL; chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc; thông qua đó đưa ra kiến nghị nhằm phát triển án lệ đối với tội mua bán người trong thực tiễn.

          Bài viết “Tiền mã hóa - đối tượng tác động của tội phạm trong pháp luật hình sự” của tác giả Lê Tường Vy viết: “Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, phương thức thanh toán mới, các loại tài sản mới… Một trong những sáng tạo nổi bật của công nghiệp 4.0 là sự ra đời của công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa - crypto currency). Theo đó, các tội phạm có liên quan đến lĩnh vực này cũng gia tăng như lừa đảo, rửa tiền, khủng bố… trong khi đó, cơ quan quản lý của hầu hết các nước đều khá lúng túng và gặp khó khăn trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cũng như cách thức quản lý. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm về các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liệu đã phù hợp để điều chỉnh vấn đề tiền ảo trên thực tế?” Bài viết đề cập vấn đề trên dưới góc độ điều chỉnh của luật hình sự liên quan đến các tội phạm.

          Bài viết “Hướng tới bảo đảm độc lập tư pháp đối với Tòa án nhân dân” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước ta. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung, bảo đảm độc lập tư pháp đối với Tòa án nhân dân nói riêng”. Bài viết góp phần làm sáng tỏ những nội dung cơ bản về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước hướng tới bảo đảm độc lập tư pháp đối với Tòa án nhân dân.

          Bài viết “Bàn về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án theo tinh thần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” của tác giả Hà Thái Thơ viết: “Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có liên quan trực tiếp đến cải cách tổ chức bộ máy Tòa án”. Bài viết tập trung phân tích thực trạng tổ chức bộ máy Tòa án hiện nay và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.

          Bài viết “Các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội - một số hạn chế và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Mai Thị Thủy phân tích một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Từ đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về vấn đề này.

          Bài viết “Tiền ảo theo quy định pháp luật của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam” của tác giả Trần Linh Huân nêu đánh giá: “Hiện nay, tại Việt Nam, tiền ảo chưa được pháp luật thừa nhận, khung pháp lý cũng chưa được quy định rõ ràng đã khiến cho các hoạt động về tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Xuất phát từ thực tiễn này, bài viết tập trung phân tích các khía cạnh của tiền ảo, sự cần thiết của khung pháp lý điều chỉnh tiền ảo, xu hướng điều chỉnh pháp luật của một số quốc gia, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

         Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, kỳ II tháng 12 năm 2023.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ. Hoặc đặt mua theo mẫu tại File đính kèm.

Xem tài liệu đính kèm

BTK