Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2019 xuất bản ngày 10 tháng 6 năm 2019. Trong số này, Tạp chí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 8 bài viết về các vấn đề mới, nổi bật, được nhiều bạn đọc quan tâm hiện nay.

– Với bài viết “Một số vấn đề về áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và hoàn thiện pháp luật về xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật”, NCS. Đào Thị Thu An đưa ra nhận định: Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được xem là biện pháp xử lý hành chính đã có những thay đổi phù hợp với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế như thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đã được chuyển cho cơ quan Tòa án quyết định, trình tự, thủ tục tại Tòa án đã bảo đảm tính công khai, minh bạch và về cơ bản, tuân thủ các nguyên tắc của việc xét xử không thiên vị và công bằng của Công ước các quyền dân sự, chính trị. Tuy nhiên, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng còn bộc lộ một số vấn đề cần cần được nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục . Trong bài viết của mình, tác giả đã có những phân tích, lập luận sắc bén về những bất cập, hạn chế khi áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, từ đó đưa ra đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

– Trong bài viết: “Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo Bộ luật Hình sự năm 2015”, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phân tích một cách rất cụ thể, sâu sắc cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn trong các quy định của pháp luật quốc tế cũng như các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, từ đó Tác giả dự báo những vướng mắc, bất cập khi áp dụng quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong thực tiễn và đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể. Có thể nói, đây không phải là vấn đề mới mẻ bởi đã có rất nhiều công trình khoa học, các buổi hội thảo chuyên đề về nội dung này. Tuy nhiên, với cách tiếp cận trên phương diện lồng ghép giữa lý luận và thực tiễn, tác giả Phạm Minh Tuyên sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện, chính xác hơn về vấn đề này.

– Bài viết “Tiền ảo và tình trạng pháp lý của tiền ảo tại Việt Nam hiện nay” của các tác giả ThS. Huỳnh Thị Nam Hải – ThS. Huỳnh Thị Minh Hải là một vấn đề khá mới mẻ, mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay nhưng lại rất ít các công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Trong bài viết của mình, các tác giả đã nhận định: “Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, “tiền ảo” đã và đang phát triển ngày càng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung đã khiến cho việc thực thi chính sách tiền tệ cũng như việc quản lý và giải quyết những tranh chấp phát sinh trong các giao dịch tài chính gặp nhiều khó khăn”.

Từ đó, các tác giả đã đi sâu vào việc phân tích, bình luận về tình trạng pháp lý của tiền ảo tại Việt Nam và đưa ra những đề xuất nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo.
Ngoài ra, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng xin giới thiệu tới bạn đọc một số bài viết về các vấn đề khác không kém phần mới mẻ và thú vị như: quyền tự do hợp đồng theo pháp luật Việt Nam hiện hành; tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong Bộ luật Hình sự năm 2015; xét xử vụ án hình sự đối với người bị buộc tội chưa thành niên theo pháp luật Thái Lan – kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tạp chí cũng đăng tải Quyết định của TANDTC về việc ban hành kế hoạch thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2018 – 2021.

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả quan tâm đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2019./.

BTK