Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2019 xuất bản ngày 15 tháng 7 năm 2019. Trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 10 bài viết về các vấn đề nổi bật, được nhiều bạn đọc quan tâm hiện nay và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

– Đặc biệt, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết: “Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân – phạm trù pháp lý mới cần quan tâm trong thực tiễn tư pháp nước ta” của PGS.TS.Nguyễn Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đây có thể được xem là một công trình nghiên cứu khoa học vô cùng công phu, đầy đủ, sâu sắc và nhiều tâm huyết về một vấn đề pháp lý cần được quan tâm, đó là quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân. Trong bài viết của mình, tác giả đưa ra nhận định: “Thực tiễn đời sống pháp lý có những hiện tượng xã hội đang tồn tại và ngày một tác động không nhỏ đến hoạt động tư pháp nhưng chưa được quan tâm và nhận thức đầy đủ. Vấn đề quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân là một trong những hiện tượng đó. Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo hơn vấn đề này và quan trọng hơn là sớm có giải pháp điều chỉnh thích hợp để hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực nhằm nâng cao chất lượng nền tư pháp.”. Từ đó, tác giả đi sâu phân tích các vấn đề cụ thể, bao gồm: (1) Nhận thức chung về quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân; (2) Vai trò của quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân đối với chất lượng hoạt động tư pháp; (3) Những giải pháp nâng cao chất lượng quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân.

– Trong bối cảnh Dự án Luật Hòa giải và đối thoại tại Tòa án đang được thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra thì với bài viết: “Kinh nghiệm đối với việc thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và một số kiến nghị” của tác giả Tống Anh Hào – Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Phó Chánh án TANDTC được xem là một tài liệu vô cùng cần thiết và có giá trị. Nhận định về vấn đề này, tác giả nêu quan điểm : “Hòa giải và đối thoại là hai biện pháp giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính hiệu quả nhất. Hiện nay, theo quy định của pháp luật có nhiều hoạt động hòa giải và đối thoại trước khi Tòa án thụ lý giải quyết theo tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính (như: hòa giải cơ sở (Luật Hòa giải cơ sở năm 2013), hòa giải của Hòa giải viên lao động, Hội đồng Trọng tài lao động đối với tranh chấp lao động (Bộ luật Lao động năm 2012), hòa giải thương mại (Luật Thương mại và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP), hòa giải tranh chấp đất đai (Luật Đất đai); hòa giải của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (Luật Sở hữu trí tuệ); hòa giải giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng (Luật Bảo vệ người tiêu dùng); tổ chức đối thoại (Luật Khiếu nại năm 2011)). Tuy nhiên, số vụ việc dân sự và khiếu kiện hành chính Tòa án phải thụ lý giải quyết hàng năm vẫn tăng, làm cho áp lực giải quyết các vụ việc tại Tòa án ngày càng nhiều (theo số liệu Báo cáo của TANDTC) năm 2017 tăng 10,98%, năm 2018 tăng 12,19%)….

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là việc các Hòa giải viên, Đối thoại viên (do Tòa án tuyển chọn từ những cán bộ đã nghỉ hưu, các luật sư…) tiến hành hòa giải các vụ việc dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính mà người khởi kiện, người yêu cầu đã nộp đơn đến Tòa án nhưng Tòa án chưa thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng”. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung vào việc phân tích, đánh giá các kết quả của việc thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó đưa ra một số kiến nghị: (1) Nhà nước cần sớm ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để làm cơ sở pháp lý cho việc duy trì và phát triển phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong phạm vi cả nước; (2) Trước mắt, tiếp tục kéo dài việc thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại như hiện nay cho đến khi hoàn thành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhằm phát huy hiệu quả của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại, giảm bớt áp lực quá tải đối với công việc của Tòa án; đồng thời làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

– Trong bài viết “Xác định quan hệ pháp luật và tư cách tham gia tố tụng của tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng” tác giả TS. Ninh Thị Hiền và Hoàng Mạnh Thắng tập trung nghiên cứu, phân tích sâu sắc các vấn đề sau: (1) Quan hệ pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) và người yêu cầu công chứng; (2) Phân biệt quan hệ pháp luật hành chính và quan hệ pháp luật dân sự trong văn bản công chứng; (3)Tư cách tham gia tố tụng của TCHNCC trong những tranh chấp về dân sự; (4) Tư cách tham gia tố tụng của TCHNCC trong những yêu cầu về dân sự. Từ đó, các tác giả đưa ra kết luận xác đáng.

– Bài viết “Về đăng ký quyền đối với bất động sản liền kề ở Việt Nam hiện nay” của THS. Nguyễn Thị Hường. Tác giả nêu nhận định: “Theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, để quyền đối với bất động sản liền kề được tôn trọng thì sự hiện hữu của nó phải được toàn thể xã hội biết đến một cách rõ ràng và cách tốt nhất để cho toàn thể xã hội đều biết đến sự tồn tại của các vật quyền nói chung và quyền đối với bất động sản liền kề nói riêng là xây dựng một hệ thống đăng ký vật quyền hoàn chỉnh để bất kỳ chủ thể nào cũng có thể tiếp cận.”. Tác giả đi vào phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về quyền sử dụng đất và nêu các kiến nghị hữu ích để hoàn thiện việc quản lý đối với quyền đối với bất động sản liền kề.

Ngoài ra, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng xin giới thiệu tới bạn đọc một số bài viết về các vấn đề khác như: Một số bất cập và kiến nghị về căn cứ làm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vô hiệu; xác định giao dịch trái pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; bàn về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời, Tạp chí tiếp tục đăng tải các bài viết là các tình huống cụ thể liên quan đến việc xác định tội danh cụ thể hiện đang còn các quan điểm khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi, như: Về bài viết “Nguyễn Đức H phạm tội gì?”; Nguyễn Thị N phạm tội gì?; Trao đổi bài viết: “Đào Trung P có phạm tội – phạm tội gì?”.

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả quan tâm đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2019./.

BTK