Thủ tướng khẳng định, cần sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia
Chiều 27/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Sự kiện do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức.
Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động có chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc".
Trong Tháng hành động, trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động, như: Đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân bị tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; tổ chức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động...
Đối với Tháng Công nhân, năm 2023, với chủ đề "Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức", bên cạnh các hoạt động thường xuyên, các cấp công đoàn tập trung triển khai 5 nhóm hoạt động trọng tâm, trong đó sẽ tổ chức chương trình "Đối thoại tháng 5"; diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân", hoạt động "Cảm ơn người lao động".
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến tổ chức diễn đàn để lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, góp ý xây dựng pháp luật chính sách và mong muốn, khát vọng cống hiến phát triển đất nước của công nhân lao động...
Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà tổ chức công đoàn, công nhân lao động cả nước đạt được- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nhận định: Những năm qua, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có trên 52 triệu người lao động với nhiều chuyên gia, người lao động có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia là người nước ngoài.
Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; năng suất lao động được nâng lên. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện.
Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn; những người không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ. Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt (thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng, tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước).
Theo Thủ tướng, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh; ngày càng năng động, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội (tính đến nay, cả nước có khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó công nhân lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%). Giai cấp công nhân chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động, tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội.
Ý thức giác ngộ chính trị, học vấn, trình độ chuyên môn của công nhân không ngừng được nâng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, hiểu biết pháp luật, nhiệt huyết với cách mạng, luôn đổi mới sáng tạo, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Vai trò của công đoàn các cấp tiếp tục được phát huy. Đến nay, tổ chức công đoàn có gần 11 triệu đoàn viên sinh hoạt ở 126.000 công đoàn cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn chăm lo đời sống cho người lao động; chủ động kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều cơ chế, chính sách, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà tổ chức công đoàn, công nhân lao động cả nước đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động, công nhân. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch lao động giữa các vùng, các khu vực kinh tế và giữa các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh, linh hoạt với những thay đổi này.
Trong khi đó, một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững; nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nhất là trong 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng, sản xuất trên thế giới; các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng.
Đáng lưu ý, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại, nhất là đối với phụ nữ như nóng, bụi, yếm khí, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, hóa chất… vượt tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và điều kiện lao động của công nhân. Việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nhất là ở các lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than, khoáng sản và sản xuất, chế biến gỗ, cơ khí luyện kim (trung bình mỗi năm xảy ra trên 6.000 vụ tai nạn lao động, làm mất đi và bị thương hơn 600 người)…
Thủ tướng khẳng định, cần sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ nhằm chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, nhất là kỹ năng nghề cho người lao động. Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận bình đẳng, nhanh chóng, thuận lợi với các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững. Kịp thời hỗ trợ người lao động ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức, rủi ro. Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động và người sử dụng lao động, tạo động lực, truyền cảm hứng và cho lan tỏa cho người lao động và công nhân để họ ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động.
"Phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; phải có quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động. Đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh, để công nhân có môi trường thuận lợi cho lao động, sản xuất", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài liên quan
-
Toàn văn Nghị định Số: 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
-
Chính sách ưu việt của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP đối với cán bộ công chức, người lao động nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy
-
Đảm bảo công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng Tết; chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH
-
Trợ thủ đắc lực cùng người lao động chinh phục mục tiêu công việc cuối năm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
Bình luận