Trần Văn T phải chịu tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm

Sau khi đọc bài viết “Áp dụng tình tiết tái phạm và tái phạm nguy hiểm như thế nào?” của tác giả Phạm Văn Phương đăng ngày 20/11/2023, tôi cho rằng Trần Văn T phải chịu tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Điều 53 BLHS năm 2015 quy định: “ 1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biết nghiêm trọng do vô ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”

Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về tình tiết “tái phạm” và “tái phạm nguy hiểm” nhưng điểm b Mục 7.3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 có hướng dẫn “Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Ví dụ 1: H đã bị kết án về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chưa chấp hành xong hình phạt, H trộm cắp tài sản có giá trị bốn trăm ngàn đồng và gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này tiền án về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với H.

Ví dụ 2: K có hai tiền án về tội “cố ý gây thương tích” và tội “cướp tài sản”, đều chưa được xóa án tích lại trộm cắp tài sản có giá trị ba trăm năm mươi ngàn đồng. Trong trường hợp này tiền án về tội “cướp tài sản” được xem xét là dấu hiệu “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để xác định cấu thành tội phạm của lần trộm cắp tài sản. Còn tiều án về tội “cố ý gây thương tích” phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với K.”

Trở lại nội dung vụ án, đối với hành vi của Trần Văn T đã có ba tiền án, cụ thể:

+ Ngày 20/7/2011, T bị xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.

+ Ngày 27/2/2013, T bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999.

+ Ngày 09/9/2015, T bị xử phạt 42 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ" theo điểm đ khoản 2 Điều 257 BLHS năm 1999.

Theo đó, đối với ba tiền án trên thì Trần Văn T chưa đủ thời gian để đương nhiên để xóa án tích nhưng đến ngày 22/11/2019, Trần Văn T lại thực hiện hành vi trộm cắp với giá trị tài sản dưới 2.000.000. Do đó, hành vi của Trần Văn T “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” và thỏa mãn dấu hiệu “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý” theo khoản 1 Điều 53 BLHS. Mặt khác, hành vi trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 vẫn đủ yếu tố cấu thành của tội “Trộm cắp tài sản” nên lần phạm tội này được lấy là tình tiết định tội đối với Trần Văn T. Bên cạnh đó, ba bản án trước chưa áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm” và “tái phạm nguy hiểm” nên hành vi trộm cắp sau này của Trần Văn T phải áp dụng tình tiết “tái phạm” và “tái phạm nguy hiểm” mới phù hợp bản chất và quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm trao đổi đối với vụ án, kính mong các độc giả đóng góp ý kiến!

*Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7

Tòa án nhân dân huyện EaKar, Đăk Lăk xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Võ Mai

TRẦN VĂN MINH*