Tưởng nhớ Chánh án Trịnh Hồng Dương, Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí
Hôm nay, ngày 16/1, Tạp chí TAND đã đến thăm gia đình và dâng hương tưởng niệm TS Trịnh Hồng Dương (1938-2008), Chánh án TANDTC, Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí, nhân sự kiện 70 năm ngày Tạp chí xuất bản số đầu tiên (1954-2024).
Tập thể Tạp chí TAND do Tổng biên tập Trần Quốc Việt làm trưởng đoàn. Sau khi dâng hương tưởng niệm cố Chánh án Trịnh Hồng Dương, trò chuyện thăm hỏi phu nhân cố Chánh án, Tổng biên tập Trần Quốc Việt bày tỏ sự ngưỡng mộ công lao và đức độ của Chánh án Trịnh Hồng Dương đối với ngành Tòa án nói chung và Tạp chí TAND nói riêng.
Ngày 16/2/2024 là ngày tròn 16 năm Chánh án Trịnh Hồng Dương về cõi vĩnh hằng, Nguyên Phó Chánh án thường trực TANDTC Đặng Quang Phương, người cộng sự thân thiết của Chánh án Trịnh Hồng Dương cũng đến thắp hương tưởng nhớ người Thầy, người Anh khả kính, đã cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ về cố Chánh án.
Ông Trịnh Hồng Dương sinh tại thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; quê quán xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có bằng Tiến sĩ luật hình sự, ông bảo vệ luận án (Phó) Tiến sĩ năm 1979 tại Liên Xô. Ông trải qua nhiều cương vị công tác từ giáo viên Trường cán bộ Tòa án, cán bộ nghiên cứu của Tòa Hình sự, cán bộ Vụ tổng hợp... Từ tháng 10/1982 đến tháng 6/1983,ông là Thẩm phán TANDTC.
Từ tháng 7/1983 đến tháng 3/1987 ông giữ chức vụ Phó Chánh án TAND TP Hà Nội và sau đó là Chánh án TAND TP Hà Nội; từ tháng 4/1987 đến tháng 7/1988 là Chánh Tòa hình sự TANDTC. Từ tháng 8/1988 đến tháng 8/1997 ông là Phó Chánh án TANDTC; từ tháng 9/1997 đến tháng 6/2002 là Chánh án TANDTC.
Trò chuyện, thăm hỏi phu nhân cố Chánh án
Tập san Tư pháp xuất bản số đầu tiên ngày 15/1/1954, trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, sau một số lần đổi tên, từ số 1 năm 1990 được nâng lên thành Tạp chí Tòa án nhân dân do TS Trịnh Hồng Dương là Phó Chánh án TANDTC kiêm Tổng biên tập, đưa Tạp chí trở thành diễn đàn khoa học pháp lý, khoa học xét xử hàng đầu của hệ thống Tạp chí khối pháp luật, với chất lượng cao.
Ông là người say mê nghiên cứu khoa học, từng được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực pháp luật, nhất là pháp luật hình sự. Với 7 năm (1990-1997) giữ cương vị Tổng Biên tập, ông cũng là người có thực tiễn áp dụng pháp luật đa dạng, phong phú hàng đầu của đất nước, nên những kiến thức và kinh nghiệm của ông khiến cho Tạp chí Tòa án nhân dân thật sự là “Cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao” – uy tín đặc biệt đối với một tạp chí chuyên ngành, đặt nền móng cho Tạp chí Tòa án nhân dân có được vị thế và cơ hội phát triển như ngày nay.
Ngoài hoạt động chuyên môn, ông còn để lại ấn tượng sâu sắc cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan về sự nhân hậu, thanh liêm, giản dị đến mẫu mực. Có người nói, ông là "một vị lãnh đạo tài giỏi, đức độ, liêm khiết, thông minh, chính trực và giản dị". Nhiều kỷ niệm về Chánh án, về Tổng biên tập Trịnh Hồng Dương được nhớ lại rất ấm áp và cảm động…
Mỗi thành viên trong Tạp chí TAND, nhiều người thuộc thế hệ trẻ, lắng nghe những mẩu chuyện về cố Chánh án Trịnh Hồng Dương như được "trở về nguồn", được tiếp thêm năng lượng tích cực để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác, góp phần đưa Tạp chí ngày càng phát triển về mọi mặt để xứng đáng với công lao của các thế hệ đi trước trong hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận