Vi vút gió từ rừng dương Trà Cổ

"Có ai trong chúng ta mỗi một lần được dịp đi trên con đường mòn biên giới mà không xúc động khi dừng chân bên cột mốc… Không có nơi nào bằng ở đây, hai tiếng Tổ quốc lại được cụ thể hóa và nhận thức sâu sắc đến thế”. Đúng như Lê Bá Thảo đã viết trong Thiên nhiên Việt Nam, tôi đã đi nhiều cột mốc biên cương của đất nước, từ Bắc xuống Nam, nhưng đến địa đầu Móng Cái thì cảm xúc rất khác biệt.

Cột mốc văn hóa nơi địa đầu

Cột mốc biên giới thường là ở vùng rừng núi vắng vẻ, hoang vu, đôi khi là đô thị, nhưng chưa có ở đâu như Trà Cổ, đến vùng biên giới địa đầu nhưng chúng tôi  lại được ngồi trong một ngôi đình làng cổ kính và tuyệt đẹp. Ngôi đình được các nhà nghiên cứu đánh giá là một cột mốc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc, tiếp giáp với Trung Quốc, đất nước có sức đồng hóa rất mạnh. Nói thế không ngoa bởi lẽ Trung Quốc có đủ đền đài, chùa, quán, miếu mạo… nhưng họ không có đình làng. Đình làng là của người Việt, thuần túy văn hóa Việt.

Trà Cổ vốn là một hòn đảo nhỏ cong cong như vầng trăng thượng huyền, khi đặt bút vẽ chữ S dáng hình đất liền của Tổ quốc thì Trà Cổ là điểm đặt bút đầu tiên. Nay con đường Trần Nhân Tông từ trung tâm thành phố Móng Cái chạy thẳng ra đảo, nối liền với đường Tràng Vĩ qua cây cầu bê tông vững chãi. Đình nằm ở trung tâm của Trà Cổ, mang phong cách kiến trúc thế kỷ XVIII nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng đình làm năm 1550.

Dù trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm, được tu bổ nhiều lần nhưng ngôi đình vẫn nguyên vẻ đẹp cổ xưa, không khác gì những ngôi đình giữa đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ đồ thờ và sàn gỗ đều nguyên vẹn. Ðình kiến trúc theo kiểu chữ đinh (), tiền đường gồm 5 gian, 2 chái, dài 29,8m, rộng 18,5m, hậu cung 3 gian. Đình có 5 cửa võng sơn son thếp vàng và nhiều hoành phi câu đối ngoạn mục. Trong đó có nhiều nội dung nói đến nguồn gốc của cư dân nơi đây. Đôi câu đối treo cửa hậu cung viết: “Đồ Sơn ngật nhĩ hinh hương địa/ Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ” – Đồ Sơn là vùng đất linh thiêng, thơm ngát/ Trà Cổ dựng ngôi đình nguy nga để kỷ niệm”.

Đình Trà Cổ nhìn ra biển, cách đình chừng hai trăm mét là bãi biển phẳng lỳ dài đến 14 cây số, có rặng phi lao xanh mướt, quanh năm vi vút gió hòa âm với sóng biển rì rào. Từ đình xưa có thể nhìn thấy mũi Gót tức mũi Sa Vĩ, xa hơn là Trung Quốc; bên phải phía tây nam là mũi Ngọc hướng về đảo Vĩnh Thực. Bây giờ làng chài đã nên phố, nhà cửa san sát, nên che kín không gian phía trước, đình bên bờ biến hóa đình giữa phố phường.

Bên ấm trà nóng, ông  Khổng Minh Tiệp và bô lão trong Ban quản lý đình Trà Cổ nói rằng “người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Xưa kia có mười hai gia đình từ Đồ Sơn ra đây định cư, được một thời gian thì sáu gia đình thấy khó khăn quá đã bỏ về vì “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sắn thì chát, lộc si thì già”. Sáu gia đình bám trụ ở lại thì nói “Ở đây vui thú non tiên/ Cắm sào lọc nước lấy tiền nuôi nhau”… từ đó mà sinh sôi đông đúc dần nên xóm, nên làng. Các cụ lấy tên quê cũ là hai làng Trà Phương, Cổ Trai đặt tên quê mới là Trà Cổ. Khi dựng được đình thì dân làng về cố hương xin chân nhang rước các vị thành hoàng ra thờ, sáu vị tiền hiền được phụ thờ bằng sáu cỗ ngai đặt hai bên tả hữu trong hậu cung. Trước năm 1954 thì hàng năm trước khi mở hội, dân làng lại dong thuyền về Trà Phương, Cổ Trai rước thánh…

Vậy là dân Trà Cổ đồng hương với thái tổ nhà Mạc là Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Trong lúc nhà Lê suy tàn, Mạc Đăng Dung đã nổi lên như một nhà chính trị quân sự có tài, dẹp được loạn lạc nên giành ngôi của nhà Lê, lập ra nhà Mạc - một vương triều cầm quyền 66 năm trên vùng đất từ Ninh Bình trở ra, nhưng tồn tại đến 150 năm với một số thành tựu tiến bộ.

 

Tác giả hỏi chuyện các bô lão ở đình Trà Cổ

Đọc câu đối trong đình Trà Cổ thấy có ghi: “Tịch tụ ký hà niên, tích phấn Đồ Sơn khai đống vũ” nghĩa là: Không rõ bắt đầu tụ họp khai khẩn từ năm nào, dấu chân gắng gỏi từ Đồ Sơn đã dựng nên cửa nhà, cơ nghiệp. Đôi câu đối làm năm Thiệu Trị thứ hai (1843). Vậy là không ai còn nhớ chính xác các vị tiền hiền đã từ Cổ Trai, Trà Phương ra đây khai hoang lập ấp năm nào…

-Hiện nay trên đảo có họ Mạc hay không? Tôi hỏi các bô lão Trà Cổ vì Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn ghi rõ, vào năm 1592, sau khi đánh bại nhà Mạc, Trịnh Tùng đã đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, huỷ bia đá ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng. Con cháu họ Mạc bị truy sát  nên phải lưu tán bốn phương.

-Chúng tôi có nhiều họ như Nguyễn, Lê, Khổng, Vũ, Bùi, Nghiêm, Đoàn, Trần, Hoàng… nhưng không có họ Mạc – ông Khổng Minh Tiệp cho hay.

Quả thật nếu có bà con họ Mạc chạy ra đây, tìm người làng để tị nạn thì cũng phải đổi họ cho an toàn. Về sinh hoạt của các dòng họ, ông Tiệp cũng cho biết ở đây không sinh hoạt họ riêng, mà tất cả sinh hoạt chung tại đình làng. Mỗi năm làng cử ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai đám là người trung tuổi, khoẻ mạnh, tháo vát, có đạo đức, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn, gọi là “ông voi”. Đến hội làng, 12 “ông voi” được rước ra đình tế thánh và thi chọn “ông voi “ to nhất.

Đồng hương ở Đông Hưng

- Nếu nói về đồng hương thì chúng tôi phải nói đến bà con bên Tam Đảo là Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm ở Đông Hưng, thuộc cảng Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc, cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái khoảng 25 km – ông Nguyễn Quang Cảnh, một bô lão cho hay.

Theo các bô lão, từ năm 1995 đến nay, năm nào bà con bên Tam Đảo cũng về dự hội làng Trà Cổ, có năm đến 120 người, năm nào ít cũng dăm bảy chục người. Ngược lại, mỗi năm bà con Trà Cổ sang bên đó ba lần vào ngày hội của ba làng. Vì thế, hai bên rất thân thiết, gắn bó. Năm  2010, bà con kỷ niệm 500 năm dời cố hương sang lập nghiệp ở Tam Đảo.

Trong một phóng sự của VTV4 “Người Kinh Tam Đảo – Ngày trở về nguồn cội thương nhớ” sản xuất năm 2018, phản ánh về cư dân gốc Việt bên Vạn Vũ, Vu Đầu và Sơn Tâm cho biết, trải qua hơn 500 năm hòa nhập vào nền văn hóa địa phương, nhiều người vẫn sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu trong cộng đồng và vẫn còn lưu giữ được nhiều truyền thống của người Việt từ xa xưa. Làng Vu Đầu cũng có những hàng cây thị cổ thụ giống hệt ở Đồ Sơn.

Bà con ngày nay vẫn sinh sống bằng đánh bắt hải sản truyền thống và buôn bán, làm du lịch. Họ vẫn làm nước mắm, ăn nước mắm, kiếm cá ven bờ bằng cà kheo, ăn bánh đa… mang đặc trưng Việt.

 

Biểu tượng mũi Sa Vĩ, Trà Cổ

Đàn bầu và hát đối đáp giao duyên là niềm tự hào của người dân nơi đây, được truyền dạy cho thế hệ trẻ…  “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” hay  “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay” là những bài dân ca được thanh thiếu niên ghi chép, ca hát bằng thứ tiếng Việt chuẩn không khác người trong nước.

Điều đặc biệt là nơi đây rất chú trọng chữ Nôm. Trên cửa một ngôi đình, dân làng viết “Đình Cáp” chứ không viết “Cáp Đình” kiểu chữ Hán. Ông Tô Huy Phương, một trong những người khởi đầu việc sưu tầm, ghi chép và dạy chữ Nôm cho hay, từ năm 2002, với bảy người biết chữ Nôm, nhóm đã sưu tầm, ghi lại được hơn 4000 câu hát dân ca, hát đối đáp. Trung tâm Nghiên cứu, truyền thừa và phát huy văn hóa chữ Nôm tại Đông Hưng ra đời năm 2009, đã xuất bản 13 cuốn sách về văn hóa, lịch sử, âm nhạc… của người Kinh Tam Đảo. Ông Phương nói: Văn hóa chữ Nôm là linh hồn của dân tộc, chúng tôi coi đó là của báu nhất phải gìn giữ. Học chữ Nôm để giữ được tiếng nói, đọc được lịch sử, hương ước, văn tế, tự sự, dân ca… của ông cha. Nhận thức như thế nên từ tiểu học đến trung học ở Tam Đảo, học sinh đều được học chữ Nôm, học tiếng Kinh.

Hiện nay Kinh tộc có hơn 2 vạn người, là dân tộc thiểu số ít người nhất tại Trung Quốc nhưng là cộng đồng giàu có nhất trong các dân tộc thiểu số tại Quảng Tây cả về kinh tế lẫn văn hóa. Thế hệ trẻ đã kế thừa rất tốt tinh hoa văn hóa Việt mà thế hệ trước truyền lại, với tình yêu sâu thẳm và niềm tự hào về nguồn gốc ông cha.

Trong bài Dân tộc Kinh ở Giang Bình (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc)[1], tác giả Nguyễn Thị Phương Châm cho biết người Kinh ở Quảng Tây tập trung phần lớn ở Tam Đảo, trấn Giang Bình nhưng ngoài khu vực đó người Kinh còn ở bốn nơi khác nữa là các làng Hạnh Vọng, Hồng Khảm, Đầm Cát  và khu vực chợ Giang Bình. Tuy nhiên, trung tâm vẫn là Tam Đảo. Ở Vạn Vĩ người Kinh chiếm đến 69%, với 12 họ: Cao, Hoàng, Bùi, Vũ, Tô, Nguyễn, Cung, Ngô, La, Khổng, Lương, Đỗ, trong đó 3 họ lớn nhất là Tô, Nguyễn, Đỗ. Ở Vu Đầu, 90% là người Kinh, cũng có 12 họ: Bùi, Đào, Đoàn, Lê, Nguyễn, Hà, Vũ, Hoàng, Khổng, Phan, Ngô, Lưu trong đó 3 họ lớn là Lưu, Ngô, Nguyễn. Sơn Tâm  hơn 95% là người Kinh, cũng có 12 họ: Lưu, Nguyễn, Đỗ, Bùi, Lê, Hoàng, Lý, Vũ, Phan, Ngô, Võ, Cung.

Thông tin mà tác giả cung cấp, mỗi làng ở Tam Đảo có 12 dòng họ trùng hợp với con số mỗi năm cử ra 12 ông cai đám ở Trà Cổ, thật thú vị. Có lẽ Trà Cổ khởi đầu cũng có 12 dòng họ, mỗi cai đám đại diện cho một dòng họ chăng? Con số 12 này liệu có bắt nguồn từ 12 vị tiên hiền đầu tiên đến vùng đất Trà Cổ? Có phải từ Trà Cổ mà họ đi tiếp lên Giang Bình? Hay sáu vị dời bỏ Trà Cổ không quay về quê cũ mà tiến lên phía Bắc… Con số 12 gợi nên cho chúng ta biết bao liên tưởng về nguồn cội của đồng bào Trà Cổ và Tam Đảo.

Người già kể lại cũng như theo bài hát truyền miệng về lịch sử Vạn Vĩ thì người Kinh ở đây gốc ở Đồ Sơn, đi đánh bắt cá rồi lưu lạc đến đảo này từ đời Hồng Thuận tam niên (năm 1511). Văn sớ trong đình cũng ghi: “Hồng Thuận tam niên quán tại Đồ Sơn”. Điều dễ nhận thấy là có  nhiều sự giống nhau giữa lễ hội đình Vạn Vĩ và hội đình Trà Cổ như tục đóng và cất cây đám, ông cai đám nuôi lợn thờ và múa bông...

Cùng với ngôn ngữ, các yếu tố văn hoá cổ Kinh tộc cũng được bảo lưu đậm nét hơn cả ở ba làng Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu. Ba làng có đầy đủ đình, chùa, miếu. Đình cả ba làng cùng thờ Bạch Long trấn hải đại vương, Cao Sơn đại vương và Đức Thánh Trần. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa Liễu Hạnh. Cùng với hệ thống di tích, ba làng này còn duy trì được ngày hội đình kéo dài trong 7 ngày với đầy đủ lễ rước tế long trọng, tục hương ẩm, hát đình... mang đậm nét văn hoá truyền thống Kinh tộc.

Sự biến đổi, giao lưu văn hóa, phong tục làm mờ nhòa bản sắc đang là vấn đề đáng quan tâm đối với bà con Kinh tộc Tam Đảo, nên những lớp học chữ Nôm, tiếng Việt và sự nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu, truyền thừa và phát huy văn hóa chữ Nôm tại Đông Hưng có giá trị thiết thực, củng cố niềm tự hào nguồn cội sâu xa.

Thiếp Lãng giang

Vì sao cộng đồng người Việt gốc Đồ Sơn ấy lại thành cư dân Trung Quốc? Các bô lão làng Trà Cổ nói rằng do Hiệp ước biên giới Pháp – Thanh.

Vào thời Pháp thuộc, tỉnh Hải Ninh, tức Quảng Ninh ngày nay, có chung biên giới với huyện Khâm Châu, phủ Liêm Châu, Trung Quốc. Đường biên giới lịch sử này, ngoại trừ ở một số địa điểm cụ thể đã được dân chúng hai nước Việt-Trung công nhận, như các cửa ải, con sông, ngọn núi… phần lớn chiều dài còn lại của nó thì chưa bao giờ được xác định rõ rệt. Chỉ sau khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, năm 1884, đường biên giới lịch sử này mới trở thành đường biên giới qui ước, có giá trị pháp lý. Thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh đã ký hai công ước Phân định biên giới năm 1887 và công ước bổ túc về biên giới năm 1895. Công trình phân định, phân giới và cắm mốc phải mất hơn 10 năm, từ năm 1885 đến năm 1896 mới hoàn thành.

Có chuyên gia nghiên cứu về biên giới nhận định: Đây là đoạn biên giới ngắn nhất, nhưng đã gây nhiều tranh chấp nhất, giữa Pháp và nhà Thanh trong thời gian phân định cũng như trong thời kỳ phân giới cắm mốc. Người Pháp mới đến Việt Nam, chưa rõ phong tục tập quán của dân Việt Nam cũng như không nắm vững địa hình địa vật của đất nước Việt Nam. Họ còn phải đối phó với những viên quan Trung Hoa vừa thông hiểu thực địa, lại vừa mưu mẹo, quỷ quyệt. Họ phải đối diện với những đe dọa đến từ các băng đảng cướp người Hoa (giặc Cờ Đen, Cờ Vàng…) hoành hành ở các tỉnh miền bắc và trên vùng biên giới cũng như sự bất hợp tác của quan lại Việt Nam. Quân đội chính qui Trung Hoa cũng đội lốt giặc cướp, dàn dựng những cuộc phục kích, cản trở các chuyên viên Pháp làm trắc địa trên thực địa. Một số nhân viên cùng binh lính Pháp bị thiệt mạng khi làm các công tác này tại Lào Cai. Một số khác bị thiệt mạng do quân Tàu đánh úp vào Móng Cái.

Sau hơn 10 năm đấu tranh mệt mỏi, người Pháp đã phải nhượng bộ để đổi lấy những lợi ích về thương mại. Liên quan đến vùng đất Giang Bình có bà con Kinh tộc sinh sống, sách Đại Thanh nhất thống chí  ghi rằng con sông chảy theo đường biên giới Việt-Trung là Thiếp Lãng Giang, cách Khâm Châu 240 dặm. Sông này bắt nguồn từ những ngọn núi về phía tây bắc huyện Khâm Châu…  Nhưng phía nhà Thanh khi tranh biện lại đưa ra con sông biên giới là An Nam Giang ở về phía nam sông Thiếp Lãng. Trong khi đó các làng xóm người Việt vẫn hiện hữu khoảng giữa hai sông Thiếp Lãng và An Nam Giang, từ nhiều thế kỷ, như Trúc Sơn, Cương Bình (nay là Giang Bình), Bạch Long, hay các đảo trong vịnh Vạn Xuân. Cuối cùng, biên giới khu vực Móng Cái được cắm mốc với con sông Ka Long làm ranh giới, cách xa con sông Thiếp Lãng.

Trong cuốn Lịch sử Việt Nam 1858-1896 xuất bản năm 2003, Viện Sử học ghi nhận về Công ước biên giới Pháp – Thanh ký ngày 26 tháng 6 năm 1887 rằng: “Phía Pháp chấp nhận từ bỏ một phần lãnh thổ mà hai phái đoàn đang tranh chấp: Vùng Tụ Long; khu vực Giang Bình – Bạch Long; vùng Phong Thổ ở phía Tây Lào Cai, nằm giữa sông Hồng và sông Đà. Vùng Phong Thổ sau được điều chỉnh mạnh mẽ bằng Công ước 1895”.

Điều đáng chú ý là huyện Đông Hưng lúc đó chưa thành lập, mới chỉ là một trại lính nhỏ. Phồn thịnh nhất trong khu vực là Mang Nhai (tức Móng Cái). Từ sự nhượng bộ này của thực dân Pháp mà một bộ phận người dân Việt bỗng phải rời xa Tổ quốc.

Thông điệp ngàn năm

Dưới cây cầu đá mang tên dòng sông biên giới Ka Long, dòng nước lững lờ chảy về phía biển thật yên bình, nhưng trong trầm tích lịch sử vùng đất này chứng kiến biết bao thăng trầm.  Tháng 10 năm 1075,  quân Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt đã dẫn quân tinh nhuệ men theo ven biển Bạch Đằng, Vạn Ninh phối hợp với các thủ lĩnh dân tộc ít người  theo đường bộ tiến quân sang phá được châu Liêm, châu Khâm. Quân đội nhà Lý sau bốn mươi ngày vây ráp đã hạ được thành Ung Châu, lương thảo của nhà Tống bị đốt sạch, quân lực địch bị tiêu diệt. Cuộc tấn công “tiên phát chế nhân” này đã giáng một đòn chí mạng vào âm mưu xâm lược nước ta của nhà Tống. Năm sau quân Tống lại dẫn quân qua đường bộ và đường biển xâm lược nước ta để rồi chuốc lấy thất bại tại phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Sang thời nhà Trần, Mũi Ngọc của Trà Cổ ngày nay gắn liền với cuộc kháng chiến Mông Nguyên lần thứ ba. Tháng 12 năm 1287 binh thuyền của Ô Mã Nhi – Phàn Tiếp tiến vào phương Nam. Thủy quân của ta dưới sự chỉ huy của Nhân Đức hầu Trần Toàn đặt phục binh, giấu quân ở Mũi Ngọc đợi giặc. Ngày 20 tháng 12 năm 1287 binh thuyền Ô Mã Nhi tiến vào đến Vạn Ninh, quân dân ta đổ ra đánh, giành thắng lợi lớn, nhiều thuyền giặc bị đánh chìm, vô số quân lính chết và bị bắt sống. Năm sau, quân Nguyên Mông bại trận phải rút quân về nước, đến Bạch Đằng giang thì bị quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương và hai vua Trần đánh cho tan tác, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt sống. Khoảng hơn 4 vạn tướng sĩ Nguyên Mông bị loại khỏi vòng chiến.

Về con sông và cây cầu Ka Long này, cũng có sự nhầm lẫn thú vị. Trong bộ Địa chí Quảng Ninh ba tập, xuất bản năm 2002, ở tập II ghi: “Đô thị Móng Cái nằm trên ngã ba sông Ca Long và sông Bắc Luân. Bờ nam bên này là đô thị Móng Cái của Việt Nam; bờ bắc bên kia là đô thị Đông Hưng của Trung Quốc… Đầu thời Nguyễn, thời Gia Long, biên giới hai nước định lại, lui xuống phía nam, nửa tổng Kiến Diên và phố An Lương thành đất nhà Thanh. Để khẳng định không chịu lùi nữa, các quan triều Nguyễn lấy tên vua Gia Long thay tên sông Thác Mang. Gia Long phát âm theo tiếng Pạc Và là Ca Long (người Pháp viết là Ka Long)”. Tiếc rằng thông tin rất hấp dẫn này các tác giả không cho biết dữ liệu này lấy từ nguồn nào, nhưng xem ra không chính xác.

 

Tranh các dân tộc Việt Nam trên biểu tượng mũi Sa Vĩ

Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu làm thời Nguyễn bàn khá kỹ nghi vấn của lịch sử về những vùng đất có tranh chấp giữa ta và Trung Quốc qua các triều đại ở khu vực Yên Bang, Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay nhưng không ghi chuyện này. Đại Nam thực lục là bộ chính sử của nhà Nguyễn cũng không chép.

Việc lấy con sông Ka Long làm biên giới là do Hiệp ước Pháp – Thanh cuối thế XIX, không phải là việc xảy ra đầu thời Nguyễn. Hơn nữa, việc lấy niên hiệu vua đặt tên cho con sông không phải là văn hóa truyền thống, sau này có trường Gia Long, trường Đồng Khánh là do văn hóa Pháp… Con sông Ka Long trên các văn bản thỏa thuận về biên giới Pháp Thanh có ghi rõ chữ Hán là Gia Long 加隆 nhưng chữ Gia khác chữ Gia trong niên hiệu Thế tổ nhà Nguyễn, đôi chỗ ghi trùng thì cũng chỉ là ngẫu nhiên, không  liên quan gì chuyện thái độ “không chịu lùi” của các quan nhà Nguyễn như Địa chí Quảng Ninh đã ghi.

Đứng trên đài quan sát đồ sộ mới xây dựng tại mũi Sa Vĩ địa đầu Tổ Quốc, biển Đông bát ngát hiện ra trước mắt, ánh nắng lấp lánh khiến sóng biển ngời như muôn vàn thỏi bạc, bên tay phải là cửa sông Bắc Luân, bên kia sông là Trung Quốc, bên tay trái là khởi đầu 3260 km bờ biển hướng về phương Nam đến mũi Cà Mau thân thương. Bờ biển dài khiến đất nước chúng ta như một bán đảo, không có nơi nào cách biển quá 500 km theo đường chim bay, đây là một lợi thế  thiên nhiên ưu đãi.

Dù chỉ là một biển phụ của Thái Bình Dương, đại dương chiếm gần nửa diện tích địa cầu, nhưng biển Đông của chúng ta cũng rộng đến 3.447.000 km2, đứng thứ ba so với các biển khác trên thế giới. Vì thế Việt Nam có một thềm lục địa rất rộng lớn, biển có vô số quần đảo và hòn đảo đại diện cho phần đất chìm dưới sóng biển để khẳng định chủ quyền, từ Hạ Long, Bái Tử Long, hòn Mê, hòn Chẹm, cù lao Thu hay cù lao Ré, Phú Quốc, Côn Đảo hay xa xôi như Hoàng Sa, Trường Sa đều là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.

Lãnh thổ không chỉ là đất liền mà diện tích vùng biển nội thủy, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế còn lớn hơn diện tích đất liền nhiều lần. Không chỉ mỗi tấc đất, mà mỗi tấc biển, tấc đảo cũng là máu xương của Tổ quốc. Ngay trên vùng biển này, với Bạch Đằng, Vân Đồn, Vạn Ninh, Mũi Ngọc… theo suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của ông cha ta, biết bao gươm cùn, giáo gãy của quân xâm lăng còn chìm dưới “bát ngát sóng kình muôn dặm” mang thông điệp ngàn năm của ông cha gửi vào miên man tiếng sóng vỗ bờ…

 

 

[1] Thông báo văn hoá dân gian 2004, tr. 43-50

Du khảo của NGUYỄN PHAN KHIÊM

Rước kiệu ra bờ biển trong phần Lễ hội Trà Cổ - Ảnh: quangninh.gov.vn