Vướng mắc trong việc đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án của người bào chữa
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền được tiếp cận tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án của người bào chữa dưới hình thức đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án kể từ khi kết thúc điều tra... Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay quy định này còn vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Quy định của luật
Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định về quyền được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án như sau:
“1. Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.
2. Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án là quyền của người bào chữa, quyền này chỉ phát sinh sau khi giai đoạn điều tra kết thúc. Điều luật này không chỉ bảo đảm người bào chữa có điều kiện tiếp xúc với hồ sơ vụ án để có cái nhìn toàn diện, khách quan về toàn bộ nội dung của vụ án nhằm phục vụ cho hoạt động bào chữa được thực hiện một cách tốt nhất mà còn đề cao trách nhiệm của người bào chữa khi tiếp xúc với hồ sơ vụ án.
Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án của người bào chữa. Theo quy định tại Điều 82 BLTTHS năm 2015 thì “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án”. Mặc dù, BLTTHS năm 2015 có quy định việc các cơ quan tiến hành tố tụng phải bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong vụ án hình sự, tuy nhiên, hiện nay chưa quy định rõ địa điểm, thời gian thực hiện và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của người bào chữa. Thực tiễn có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trả lời đơn đề nghị của người bào chữa chậm, khi công văn trả lời đến tay người bào chữa thì thời hạn ấn định để đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong văn bản trả lời đã quá hạn, gây khó khăn cho người bào chữa trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án.
Thứ hai, hiện nay chưa có quy định về trình tự, thủ tục, phương tiện, phần mềm sao lưu, phương tiện lưu trữ, thời gian lưu trữ, bảo quản dữ liệu khi người bào chữa thực hiện việc sao chụp tài liệu điện tử. Trên thực tế, người bào chữa khi thực hiệc công việc sao chụp dữ liệu điện tử thường sử dụng các thiết bị cá nhân như máy ảnh, điện thoại di động, máy tính… Các thiết bị này thường không bảo đảm sự an toàn về tính bảo mật của tài liệu có trong hồ sơ vụ án dẫn đến trường hợp lộ, lọt thông tin cá nhân, các văn bản mật hoặc các tài liệu không được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật, bí mật quân sự, bản ảnh khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện... Ngoài ra, đối với các vụ án đang gây bức xúc trong xã hội thì việc để lộ, lọt các tài liệu trong hồ sơ vụ án sẽ ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội hoặc gây mất trật tự, an toàn xã hội hoặc ảnh hưởng tới việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Thứ ba, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý việc làm mất mát, hư hỏng, thất lạc tài liệu trong hồ sơ vụ án. Khoản 2 Điều Điều 82 BLTTHS năm 2015 quy định: “Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, quy định trên còn chưa rõ ràng, thiếu việc xử lý trách nhiệm đối với hành vi làm lộ thông tin, bí mật có trong hồ sơ vụ án gây khó khăn trong việc xử lý khi xảy ra vi phạm.
Thứ tư, hiện nay quy định của pháp luật chưa có sự phân công cụ thể trong việc giám sát việc người bào chữa thực hiện việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phân công cán bộ tham gia giám sát việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu của người bào chữa, tuy nhiên, không quy định rõ sự phân công về việc giám sát, phương tiện giám sát (máy quay, máy ghi âm…). Nếu xảy ra mất mát, hư hỏng, thất lạc tài liệu trong hồ sơ vụ án thì khó khăn trong xác định trách nhiệm vì thực tế khi bàn giao hồ sơ vụ án chỉ có văn bản giao nhận hồ sơ tài liệu mà không có quyết định phân công việc thực hiện giám sát việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu của người bào chữa.
Thứ năm, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì các tài liệu đã được người bào chữa tiến hành ghi chép, sao chụp được xử lý như thế nào? Có thể thấy, các tài liệu trong hồ sơ vụ án được lưu trữ theo quy định của pháp luật một cách rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, việc lưu trữ hoặc xử lý các tài liệu mà người bào chữa lưu trữ sau khi kết thúc phiên tòa hoặc khi bản án có hiệu lực lại chưa được quy định cụ thể. Ví dụ: Các hình ảnh, video về đời tư trong các vụ án xâm hại tình dục, các thông tin cá nhân của bị hại… Do chưa có quy định về việc lưu trữ, hủy bỏ các tài liệu nêu trên nên việc các thông tin, tài liệu bị phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội là vấn đề có thể xảy ra trong thực tế. Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “tài liệu liên quan đến việc bào chữa” gây khó khăn cho quá trình áp dụng.
Đề xuất, kiến nghị
Một là, bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để người bào chữa được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong vụ án hình sự nếu có yêu cầu nhằm bảo đảm quyền của người bào chữa được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cần quy định rõ về thời gian kể từ khi nhận được yêu cầu của người bào chữa, quy định về thời gian sao chụp, địa điểm, cơ sở vật chất để đáp ứng việc thực hiện quyền của người bào chữa.
Hai là, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quy định danh mục các phương tiện, thiết bị điện tử được phép sử dụng dùng để sao chụp tài liệu nhằm bảo đảm tính bảo mật cho hồ sơ vụ án hình sự hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền được phép kiểm định và dán tem kiểm định đủ điều kiện dùng để sao, chụp bảo đảm an toàn về dữ liệu trước khi các phượng tiện, thiết bị điện tử này dùng làm thiết bị để sao, chụp, tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Ba là, cần quy định cụ thể mức xử phạt, hình phạt đối với hành vi làm mất mát, hư hỏng, thất lạc tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự của người bào chữa nhằm bảo đảm sự nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người bào chữa trong việc thực hiện quyền của mình, đồng thời không làm ảnh hưởng tới thời gian giải quyết vụ án. Đồng thời, đề xuất bổ sung hành vi trên vào một trong các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự được quy định trong Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, theo đó, hành vi trên có thể bị xử phạt bằng hình phạt tiền hoặc các hình phạt bổ sung khác như tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sưu hoặc giấy phép hành nghề luật sư…
Bốn là, cần quy định cụ thể cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giám sát việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự để có thể cá thể hóa trách nhiệm trong trường hợp hồ sơ vụ án hình sự bị mất mát, hư hỏng, thất lạc.
Năm là, bổ sung quy định về việc lưu trữ, tiêu hủy tài liệu được sao chụp trong vụ án hình sự sau khi bản án có hiệu lực theo hướng quy định rõ thời gian lưu trữ, trình tự hủy bỏ tài liệu, cơ quan giám sát việc hủy bỏ tài liệu và quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoặc người bào chữa nếu xảy ra trường hợp lộ, lọt tài liệu ra bên ngoài gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức trong vụ án hình sự cụ thể.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với hành vi để lộ thông tin bí mật hoặc thông tin gây bất lợi, thông tin về đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh... có trong hồ sơ vụ án; đề xuất xử phạt theo hướng xử phạt tương tự như với hành vi tiết lộ bí mật điều tra, quy định tại Điều 10 Pháp lệnh số 02/2022, theo đó, xử phạt tiền và có các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra…
Sáu là, cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về “tài liệu liên quan đến việc bào chữa” của người bào chữa theo quy định tại Điều 73 BLTTHS năm 2015 để giải thích rõ các tài liệu liên quan đến việc bào chữa là các tài liệu như thế nào. Đây là điều cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bảo đảm được quyền của người bị buộc tội và góp phần phục vụ tốt hơn cho hoạt động bào chữa, gỡ tội cho người bị buộc tội, cũng như bảo đảm việc thực hiện quyền được bảo chữa đúng quy định của pháp luật.
Theo kiemsat.vn
Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, Bình Phước xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Quốc Trung
Bài liên quan
-
Bàn về tính khách quan, hợp pháp của chứng cứ do người bào chữa thu thập trong vụ án hình sự
-
Về kiến nghị bổ sung quyền được gặp riêng người bào chữa của bị can, bị cáo
-
Yêu cầu người bào chữa của của bị can, bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
-
Một số khó khăn, vướng mắc về chế định người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
1 Bình luận
Nguyễn Thị Hiệp
17:14 10/01.2025Trả lời