Xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong tố tụng dân sự

Thời hạn kháng cáo và kháng nghị đối với bản án, quyết định của Toà án trong tố tụng dân sự đã được quy định tại BLTTDS. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy có những vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến việc xác định và áp dụng thời hạn kháng cáo và kháng nghị.

Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung phân tích việc xác định thời điểm bắt đầu của thời hạn kháng cáo và kháng nghị, qua đó xác định rõ thời điểm kết thúc của thời hạn kháng cáo và kháng nghị, thời điểm bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật trong tố tụng dân sự.

1. Quy định của pháp luật

Theo quy định của BLTTDS năm 2015, quyền kháng cáo là một trong những quyền của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện[1], quyền kháng nghị là một trong những quyền của VKSND cùng cấp và VKSND cấp trên trực tiếp[2].

BLTTDS năm 2015 đã ghi nhận quy định cơ bản về thời hạn kháng cáo và thời hạn kháng nghị tại các Điều 273 và Điều 280. Theo đó, đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án[3]; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án[4]. Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 07 ngày[5], thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng, nhóm tác giả nhận thấy thực chất vấn đề thời hạn kháng cáo và kháng nghị hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết đối với các quy định tại BLTTDS năm 2015. Văn bản hướng dẫn thi hành gần nhất liên quan tới vấn đề này là Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP (sau đây gọi là Nghị quyết số 06) ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS[6]. Nghị quyết số 06 ghi nhận nội dung hướng dẫn về thời hạn kháng cáo và kháng nghị theo quy định tại BLTTDS năm 2004.

Theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 06, đối với bản án, thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên tòa sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm; đối với trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa sơ thẩm hoặc là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Đối với quyết định, thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định trong trường hợp này là ngày người có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị nhận được quyết định đó. Nghị quyết số 06 đưa ra ví dụ đối với trường hợp này như sau: Ngày 01/10/2013, Toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và tuyên án cùng ngày, ngày được xác định trong trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa sơ thẩm là ngày 01/10/2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày 02/10/2013. Theo quy định tại khoản 1 Điều 245 về “Thời hạn kháng cáo” của BLTTDS năm 2004, thời hạn kháng cáo mười lăm ngày sẽ kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 16/10/2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ).

Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 06 “Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS năm 2004”, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, Chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Tiếp tục ví dụ nêu trên: BLTTDS năm 2004 tại khoản 1 Điều 245 xác định thời hạn kháng cáo kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 16/10/2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Giả sử, ngày 16/10/2013 là ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 17/10/2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần); giả sử sau ngày nghỉ lễ (17/10/2013), ngày 18/10/2013 đúng vào ngày thứ bảy, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 20/10/2013.

Về vấn đề xác định thời hạn, BLDS năm 2015 cũng quy định rõ tại Điều 147 về “Thời điểm bắt đầu thời hạn” và Điều 148 về “Kết thúc thời hạn”. Theo đó, khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

Như vậy, cách xác định thời điểm của thời hạn trong BLDS năm 2015 khá tương đồng so với cách xác định thời điểm của thời hạn kháng cáo, kháng nghị được hướng dẫn trong Nghị quyết số 06.

2. Vướng mắc trong thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Thực tế, nhóm tác giả nhận thấy còn chưa có sự thống nhất khi vận dụng và áp dụng BLTTDS năm 2015 trong vấn đề xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Cụ thể, nhóm tác giả đưa ra ví dụ để minh chứng cho điều này như sau: Buổi sáng ngày 25/9/2023, TAND Tp H xét xử sơ thẩm vụ án, có mặt đầy đủ các đương sự, đại diện VKSND Tp H cùng tham gia phiên tòa và tuyên án cùng ngày. Ngày 10/10/2023, bị đơn nộp đơn kháng cáo đối với bản án được tuyên vào ngày 25/9/2023 nêu trên.

Việc xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị có hai luồng quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Áp dụng theo quy định của BLDS năm 2015 về thời hạn và tham khảo tinh thần của Nghị quyết số 06 về thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của kháng cáo, kháng nghị và thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật đối với ví dụ nêu trên cụ thể là: Ngày xác định là ngày 25/9/2023, ngày bắt đầu tính kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày xác định, tức là ngày 26/9/2023. Do vậy, ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là vào lúc hai mươi tư giờ ngày 10/10/2023 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ); ngày kết thúc thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là vào lúc hai mươi tư giờ ngày 10/10/2023 và của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 26/10/2023 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ).

Vì vậy, theo cách tính này, nếu trong khoảng thời gian từ ngày 26/9/2023 đến hết hai mươi tư giờ ngày 26/10/2023 mà bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật từ ngày kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị[7]. Tại ví dụ nêu trên, bị đơn nộp đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm vào ngày 10/10/2023. Áp dụng theo quan điểm thứ nhất, có cơ sở xác định vẫn còn thời hạn kháng cáo và việc nộp đơn kháng cáo của bị đơn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo quy định tại BLTTDS năm 2015, thời hạn kháng cáo, kháng nghị được bắt đầu kể từ ngày tuyên án. Do đó, quan điểm thứ hai xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của thời hạn kháng cáo, kháng nghị và bản án có hiệu lực pháp luật đối với ví dụ trên cụ thể là: Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày 25/9/2023 (ngày tuyên án), ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là vào lúc hai mươi tư giờ ngày 09/10/2023 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ); ngày kết thúc kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là vào lúc hai mươi tư giờ ngày 09/10/2023 và của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 25/10/2023 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Nếu không có kháng cáo và kháng nghị, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 26/10/2023.

Theo quan điểm này, việc bị đơn nộp đơn kháng cáo vào ngày 10/10/2023 đối với bản án được tuyên vào ngày 25/9/2023 là không phù hợp vì đã hết thời hạn kháng cáo. Lúc này, đơn kháng cáo của bị đơn được coi là quá hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 275 BLTTDS năm 2015. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm. Khi nhận hồ sơ kháng cáo quá hạn, sau khi xem xét, Toà án cấp phúc thẩm sẽ lập Hội đồng xét kháng cáo quá hạn để quyết định việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đối với kháng cáo quá hạn của người kháng cáo[8].

Tại ví dụ nêu trên, nhóm tác giả xác định việc tuyên án được diễn ra vào buổi sáng ngày 25/9/2023, bởi lẽ nhóm tác giả muốn làm rõ quyền kháng cáo, kháng nghị đối với khoảng thời gian còn lại trong ngày tuyên án. Vấn đề đặt ra là, ngay tại thời điểm phiên tòa kết thúc hoặc trong buổi chiều cùng ngày mà có kháng cáo của người kháng cáo hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát thì lúc này Tòa án phải xử lý như thế nào?

Nếu áp dụng theo cách hiểu của quan điểm thứ nhất, ngày bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày 26/9/2023, thì khoảng thời gian từ lúc phiên tòa kết thúc cho đến trước ngày 26/9/2023 sẽ không được coi là trong thời hạn kháng cáo. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị trong khoảng thời gian này, Toà án phải lập Biên bản về việc giao nhận đối với Đơn kháng cáo và các tài liệu kèm theo (nếu có) của người kháng cáo, Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát được nộp hay phải hướng dẫn người kháng cáo và Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị ở ngày tiếp theo của ngày xác định tức là ngày 26/9/2023? Có thể thấy, quy trình thực hiện nêu trên rõ ràng chưa thực sự hợp lý với thực tiễn.

Đồng thời, quan điểm thứ hai hiện không có sự đồng nhất với quy định về thời hạn trong BLDS năm 2015 cũng như tinh thần của Nghị quyết số 06, do đó có thể dẫn đến những bất hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn. Trường hợp bản án được tuyên vào buổi sáng ngày 25/9/2023, quan điểm thứ hai xác định người kháng cáo có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án kể từ thời điểm tuyên án, tức ngay buổi sáng hoặc buổi chiều cùng ngày tuyên án đó. Tuy nhiên, giả sử trường hợp bản án được tuyên vào buổi chiều ngày 25/9/2023 (cùng lúc hết giờ hành chính), lúc này, ngày tuyên án là ngày 25/9/2023 và là ngày bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị nhưng chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị không thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị của mình vì đã hết giờ hành chính nên chỉ có thể thực hiện qua ngày hôm sau, tức là ngày 26/9/2023 và kết thúc quyền của mình vào lúc hai mươi tư giờ ngày 09/10/2023 đối với kháng cáo; kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 09/10/2023 đối với kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 25/10/2023 đối với kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Nếu áp dụng theo cách hiểu của quan điểm thứ hai trong trường hợp này, chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị mặc nhiên mất đi một ngày thực hiện quyền hợp pháp của mình. Do đó, nếu áp dụng cách hiểu của quan điểm thứ hai để xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị cũng chưa thực sự hợp lý.

Hai luồng quan điểm trái chiều về việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị khiến cho các chủ thể liên quan phát sinh những lúng túng nhất định khi giải thích và áp dụng nhằm xác định ngày bắt đầu tính kháng cáo là “ngày tuyên án” hay “ngày tiếp theo của ngày tuyên án”, qua đó xác định ngày kết thúc của thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Từ cách hiểu và áp dụng khi xác định ngày bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị của quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai, ngày kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị cũng có sự xê dịch một ngày trước hoặc sau, dẫn tới các hậu quả pháp lý khác nhau, ví dụ như thời điểm bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sẽ khác nhau.

Vì vậy, nhằm góp phần hoàn thiện quy định về quyền kháng cáo, kháng nghị trong BLTTDS năm 2015, nhóm tác giả đề xuất: Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bắt đầu kể từ thời điểm tuyên án cho đến hết ngày cuối cùng của thời hạn được quy định trong BLTTDS năm 2015, đồng nhất với cách xác định thời hạn của BLDS năm 2015. Cụ thể, ngày tuyên án là ngày bắt đầu thời hạn kháng cáo, kháng nghị và cũng được coi là “ngày xác định”; ngày kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày cuối cùng của thời hạn được quy định trong BLTTDS năm 2015 kể từ ngày tiếp theo của ngày xác định.

Chiếu theo ví dụ ở trên, ngày 25/9/2023 là ngày tuyên án. Theo cách tính của đề xuất, không kể bản án được tuyên vào buổi sáng hay buổi chiều cùng ngày, ngày xác định là ngày 25/9/2023. Ngay sau khi tuyên án, người có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị có thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị của mình. Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo sẽ được tính theo quy định của BLDS năm 2015, tức lấy ngày 25/9/2023 là ngày xác định thì ngày tiếp theo của ngày xác định là ngày 26/9/2023. Theo đó, ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là vào lúc hai mươi tư giờ ngày 10/10/2023 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ); ngày kết thúc thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là vào lúc hai mươi tư giờ ngày 10/10/2023 và của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là hai mươi tư giờ ngày 26/10/2023 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ).

Theo cách xác định này, nếu bản án được tuyên vào buổi sáng, thì chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị có thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị của mình ngay khi vừa kết thúc phiên toà hoặc buổi chiều cùng ngày 25/9/2023. Như vậy, chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị sẽ thêm được một khoảng thời gian có lợi là buổi chiều ngày 25/9/2023 để thực hiện quyền hợp pháp của mình. Trường hợp bản án được tuyên vào buổi chiều (kết thúc cùng lúc giờ hành chính) thì chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị có thể thực hiện quyền hợp pháp của mình vào ngày tiếp theo của ngày xác định, tức là từ ngày 26/9/2023. Điều này đảm bảo được chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị có đủ thời gian thực hiện quyền hợp pháp của mình theo quy định của BLTTDS năm 2015 mà không bị ảnh hưởng khi có thể bị mất đi một ngày thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị nếu áp dụng cách hiểu của quan điểm thứ hai.

*Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, **Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư

TAND huyện Phú Hòa, Phú Yên xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự - Ảnh: Ánh Việt

 

[1] Điều 271 BLTTDS năm 2015.

[2] Điều 278 BLTTDS năm 2015.

[3] Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

[4] Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

[5]Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

[6] Văn bản này đã chấm dứt hiệu lực bởi Quyết định số 126/QĐ-TANDTC ngày 06 tháng 4 năm 2023 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao.

[7] Khoản 1 Điều 17 BLTTDS năm 2015.

[8]  Điều 275 BLTTDS năm 2015.

LÊ THÀNH ĐẠT* - BÙI THANH HIỀN**