Áp dụng tình tiết tái phạm và tái phạm nguy hiểm như thế nào?

Hiện nay, việc xác định tội danh và áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm và tái phạm nguy hiểm vẫn còn có những quan điểm khác nhau và chưa thống nhất

Nội dung vụ án: Ngày 22/11/2019, Trần Văn T thực hiện hành vi trộm 1 chiếc xe đạp trị giá 1.500.000 đồng của bà Nguyễn Thị H. Theo kết quả điều tra, trong Phiếu lý lịch tư pháp của T, do Sở Tư pháp tỉnh A cung cấp thì T đã có ba tiền án là:

+ Ngày 20/7/2011, T bị xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.

+ Ngày 27/2/2013, T bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999.

+ Ngày 09/9/2015, T bị xử phạt 42 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ" theo điểm đ khoản 2 Điều 257 BLHS năm 1999.

Trong vụ án trên hiện có hai quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng TNHS với T là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Trần Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS và T không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.

Theo Điều 53 BLHS có thể hiểu: Tình tiết tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi hành vi của họ đã thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản của một tội phạm. Trong vụ án này, T trộm cắp tài sản lần thứ hai năm 2019 trị giá dưới 2.000.000 đồng nên chưa thoả mãn dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm theo quy định tại Điều 173 BLHS. Cùng với đó, tiền án về tội “Đánh bạc”“Chống người thi hành công vụ” đã được dùng để tính thời hạn xác định T là chưa được xoá án tích về tội “Trộm cắp tài sản” nên không được áp dụng để xác định là tình tiết “Tái phạm” hoặc “Tái phạm nguy hiểm” nữa.

Quan điểm thứ hai và là quan điểm của tác giả: Trần Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS.

T đã 3 lần bị kết án, các tiền án của T chưa được xóa án tích. Tại thời điểm T bị kết án về tội “Chống người thi hành công vụ”, T đã thuộc trường hợp “Tái phạm” theo quy định tại khoản 1 Điều 53 BLHS.

Cụ thể là đến thời điểm T phạm tội năm 2019, những bản án năm 2011, 2013, 2015 chưa được xóa án tích theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015, trong đó có 1 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” lần thứ nhất năm 2011. Theo điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, trường hợp được coi là tái phạm nguy hiểm là “đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Trong vụ án có nhiều tiền án, tiền án nào đã được xác định là tình tiết để định tội theo b khoản 1 Điều 173 BLHS thì tiền án đó sẽ không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo T. Còn lại các tiền án không được xác định là tình tiết để định tội theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS thì các tiền án đó phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Tính đến thời điểm T thực hiện hành vi“Trộm cắp tài sản” lần thứ hai năm 2019, thì tiền án T “Trộm cắp tài sản” lần thứ nhất năm 2011 sẽ được sử dụng là tình tiết định tội cấu thành tội phạm theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS và các tiền án “Đánh bạc”; “Chống người thi hành công vụ”sẽ được sử dụng để xác định thuộc trường hợp “Tái phạm”“Tái phạm nguy hiểm”. Tóm lại, T được xác định là tình tiết định khung tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015.

Trên đây là quan điểm đối với vụ án, kính mong các độc giả tham gia đóng góp ý kiến!

*Toà án quân sự Quân khu 7

PHẠM VĂN PHƯƠNG*