Điều kiện bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu do bản án, quyết định bị hủy, sửa
Sau khi đọc bài viết “Bất cập quy định bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu” của tác giả Nguyễn Hoàng Bá Huy đăng ngày 22/7/2022, tôi có ý kiến cùng trao đổi lại với tác giả.
Bài viết đưa ra nhận định: “Kể cả trong trường hợp bản án, quyết định đó không bị sửa cũng đã đủ xác định người thứ ba là ngay tình, chúng ta không nên phân biệt là bản án, quyết định có bị hủy, sửa hay không, hợp đồng đó đều được xác định là có hiệu lực” và kiến nghị “chúng ta có thể bỏ luôn quy định “do bản án, quyết định bị hủy, sửa””. Tôi không đồng tình với ý kiến trên và xin được trao đổi lại cùng tác giả các luận giải sau.
1. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi bản án, quyết định bị hủy, sửa là trường hợp ngoại lệ
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi bản án, quyết định bị hủy, sửa là một trong hai trường hợp ngoại lệ của khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu[1].
Theo đó, trong hầu hết các trường hợp, khi đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký, thì người thứ ba ngay tình chỉ được xem xét bảo vệ quyền lợi khi tài sản đó đã được người thứ hai đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì đối với tài sản phải đăng ký, người thứ ba ngay tình nói riêng và xã hội nói chung thường sẽ nhìn vào việc đăng ký đó để tin tưởng rằng người nắm giữ tài sản có quyền đối với tài sản. Nói cách khác, đối với tài sản phải đăng ký thì quyền sở hữu đối với tài sản không tự phát sinh khi người đó chiếm hữu, cầm nắm tài sản mà chỉ phát sinh khi và chỉ khi được Nhà nước công nhận quyền sở hữu bằng cách thực hiện việc “đăng ký tài sản”.
Tuy nhiên, nếu người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa thì giao dịch do người thứ ba ngay tình xác lập vẫn có hiệu lực. Bởi lẽ, trong trường hợp này pháp luật không xét đến tài sản đã đăng ký hay chưa vì bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng là một sự công nhận quyền sở hữu tài sản với một người[2], tương tự như việc họ mang tài sản đó đi đăng ký, do đó, đây được xem là căn cứ để người thứ ba ngay tình xác lập giao dịch với họ. Hơn nữa, việc hủy bỏ hoặc sửa bản án, quyết định nêu trên cũng không phát sinh từ lỗi của người thứ ba ngay tình vì người thứ ba ngay tình không thể biết hoặc lường trước được bản án, quyết định của cơ quan nhà nước sẽ bị hủy, sửa.
2. “Bản án, quyết định bị hủy, sửa” chính là tiền đề cho sự xuất hiện của người thứ ba ngay tình
Điểm mấu chốt của quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 chính là nội dung “nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Đây là điểm chốt yếu, cần thiết để xuất hiện người thứ ba ngay tình. Bởi lẽ, bảo vệ người thứ ba là khi giao dịch dân sự có người thứ ba tham gia đáng lẽ phải vô hiệu vì người thứ hai tham gia giao dịch không có quyền định đoạt tài sản và người thứ ba đúng là “ngay tình” nên được pháp luật bảo vệ bằng cách công nhận hiệu lực giao dịch mà họ đã tham gia.
Nói cho rõ hơn, nếu thiếu mệnh đề trên thì người thứ hai đương nhiên có quyền định đoạt tài sản và chủ thể được nhắc đến tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 là người tham gia (người thứ ba) với người có quyền định đoạt tài sản (chủ sở hữu tài sản). Giao dịch giữa họ đương nhiên hợp pháp thì không cần phải đặt ra việc bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba làm gì nữa.
Ví dụ: A và B xác lập một hợp đồng cho mượn đất, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và khởi kiện ra Tòa án. Tòa án tuyên bố B có quyền sở hữu đất. Trên cơ sở bản án của Tòa án, B bán mảnh đất cho C. Sau đó, A kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy tại phiên tòa sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nên đã hủy bản án sơ thẩm, và tuyên A có quyền sở hữu đối với mảnh đất.
Trong ví dụ trên, C là người thứ ba đối với hợp đồng giữa A và B, và tư cách người thứ ba của C xuất hiện là do bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy. Giả sử, bản án của Tòa án không bị hủy, thì giao dịch giữa B và C có hiệu lực như các giao dịch thông thường khác, khi đó C không còn là người thứ ba đối với hợp đồng giữa A và B mà ở đây và cũng không cần phải xem xét đến việc có hay không nên bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Do đó, có thể nhận định “bản án, quyết định bị hủy, sửa” là tiền đề xuất hiện người thứ ba ngay tình.
Như vậy, đối với trường hợp ngoại lệ nêu trên, mặc dù các điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ đã được giản lược, nhưng người thứ ba vẫn phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu của Điều 133 BLDS năm 2015 thì mới được bảo vệ theo chế định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình – trước hết phải là người thứ 3 đối với một giao dịch dân sự. Do đó, tác giả không đồng quan điểm với các nhận định “Điều kiện về bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa là không cần thiết”, “quyết định có bị huỷ, sửa cũng không ảnh hưởng tới việc công nhận hợp đồng của người thứ ba ngay tình” và kiến nghị “Chúng ta có thể bỏ luôn quy định “do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”[3], bởi lẽ, nếu không có điều kiện trên thì sẽ không xuất hiện người thứ ba để có thể xem xét họ có ngay tình hay không ngay tình.
3. “Bản án, quyết định bị hủy, sửa” là tiền đề quan trọng cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu tài sản với người thứ ba ngay tình
Tác giả Nguyễn Hoàng Bá Huy cho rằng “Kể cả trong trường hợp bản án, quyết định đó không bị sửa cũng đã đủ xác định người thứ ba là ngay tình, chúng ta không nên phân biệt là bản án, quyết định có bị hủy, sửa hay không, hợp đồng đó đều được xác định là có hiệu lực” là không phù hợp vì những lý do sau.
Một. BLDS năm 2015 đã quán triệt theo hướng sửa đổi quy định nhằm làm sao cho quyền của người thứ ba ngay tình được bảo vệ triệt để hơn[4].
Mặc dù trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015 đã có quan điểm cho rằng nên bỏ đi điều kiện “bản án, quyết định bị hủy, sửa” trong trường hợp ngoại lệ trên[5], nhưng trong quá trình nghiên cứu ban hành bộ luật mới các nhà làm luật vẫn không thay đổi quy định này là vì việc “bản án, quyết định bị hủy, sửa” còn là căn cứ để xác định chủ sở hữu đích thực của tài sản.
Hai. Quy định pháp luật dựa trên nguyên tắc cân bằng quyền lợi hợp pháp giữa chủ sở hữu tài sản với người thứ ba.
Theo pháp luật dân sự Việt Nam cũng như kinh nghiệm các nước, chỉ có chủ sở hữu tài sản mới có đầy đủ các quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng đối với tài sản. Tham khảo pháp luật Hoa Kỳ[6], Bộ luật Thương mại thống nhất năm 1952 (The Uniform Commercial Code 1952) cũng quy định nguyên tắc “Không ai có thể chuyển quyền sở hữu tài sản vượt quá phạm vi quyền hạn bản thân người đó có”. Đây là những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu. Quy định này xuất phát từ hai tiền đề[7]: (i) đảm bảo chủ sở hữu tài sản được trả tiền - giá trị được nhận về khi chủ sở hữu bỏ ra tài sản, và không bị tước đi giá trị đó bởi người mua ngay tình; (ii) quy định người mua phải có trách nhiệm xác nhận tư cách pháp lý của người bán đối với tài sản nên nếu việc xác nhận không thực hiện được dẫn đến khả năng xảy ra giao dịch gian dối, thì người mua phải chịu tổn thất trong giao dịch mình tham gia.
Do đó, có thể thấy việc xác định ai là chủ sở hữu tài sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trở lại ví dụ được đề cập trên, dựa trên bản án bị hủy, Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định A là chủ sở hữu thật sự của mảnh đất, nhưng vì C đã căn cứ vào bản án của Tòa án cấp sơ thẩm để xác lập hợp đồng với B, hay nói cách khác, C hoàn toàn ngay tình khi tham gia giao dịch, do đó, pháp luật đã ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là C.
Tuy nhiên, trên cơ sở bản án bị hủy, A vẫn có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại[8]. Giả sử, bản án không bị hủy, thì trong trường hợp này A không được xác định là chủ sở hữu tài sản, trong khi tài sản ban đầu và thực tiễn có thể vốn dĩ thuộc về A, điều này rõ ràng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu là A.
Do đó, có thể kết luận, “bản án, quyết định bị hủy, sửa” còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu tài sản và người thứ ba ngay tình. Mặc dù, trong trường hợp ngoại lệ trên, pháp luật đã ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình nhưng trên cơ sở “bản án, quyết định bị hủy, sửa”, chủ sở hữu ban đầu của tài sản vẫn được bảo vệ ở mức độ nhất định như khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Nếu như bỏ đi điều kiện “bản án, quyết định bị hủy, sửa” có thể xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản. Ngoài ra, qua tìm hiểu quy định của BLDS Phi-lip-pin cùng các quy định của các nước khác chúng tôi cũng chưa thấy có quy định nào tương tự như tác giả đã viện dẫn[9].
Thay lời kết
Qua phân tích và luận giải trên, có thể khẳng định rằng “bản án, quyết định bị hủy, sửa” là điều kiện cần để xem xét áp dụng chế định bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình tại Điều 133 BLDS năm 2015. Do vậy, việc bỏ đi nội dung này theo như quan điểm của tác giả là không phù hợp, chưa phản ánh đúng tinh thần của Điều 133 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi của quý độc giả./.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử phúc thẩm “Chia di sản thừa kế và yêu cầu trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - Ảnh: Phương Anh
[1] Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.
[…] 2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
[2] Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Căn cứ xác lập quyền sở hữu Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây: […] 2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. […]”.
[3] Nguyễn Hoàng Bá Huy, “Bất cập bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 22/7/2022, [Bất cập trong quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu (tapchitoaan.vn)] (truy cập ngày 05/8/2022); Nguyễn Thị Minh Phượng, “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu”, Tạp chí Toà án nhân dân kỳ I năm 2013, tr. 26-27.
[4] Xem Tờ trình số: 390/TTr-CP ngày 12/10/2014 về Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, tr. 12&13.
[5] Nguyễn Thị Minh Phượng, “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu”, Tạp chí Toà án nhân dân kỳ I năm 2013, tr. 26-27.
[6] Xem thêm: Trần Thị Thu Hằng, Pháp luật Hoa Kỳ về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự – những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 02+03, năm 2022.
[7] Donald Merritt (1968), Title to Goods: The Position of the Purchaser at Common Law and under the Uniform Commericial Code, Buffalo Law Review, Volume 17, Number 3, p.866.
[8] Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Căn cứ xác lập quyền sở hữu Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây: […] 3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
[9] Tác giả Nguyễn Hoàng Bá Huy trích dẫn khoản 2 Điều 150 BLDS Philippines: (2) The validity of any contract of sale under statutory power of sale or under the order of a court of competent jurisdiction.
Tìm hiểu của chúng tôi là khác: “Art. 150. Property donated or left by will to the spouses, jointly and with designation of determinate shares, shall pertain to the wife as paraphernal property, and to the husband as capital, in the proportion specified by the donor or testator, and in the absence of designation, share and share alike, without prejudice to what is provided in Article 753. (1398a)”.
Xem nguồn truy cập: https://www.chanrobles.com/civilcodeofthephilippinesfulltext.html hoặc https://www.trans-lex.org/602450/_/philippines-republic-act-386-/#head_27”.
Bài liên quan
-
Hiểu thế nào là bảo vệ người thứ ba ngay tình trong vụ án hình sự?
-
Xe ô tô Mercedes-Benz S450 gặp hàng loạt lỗi: Anh T có thể khởi kiện ra tòa để được bảo vệ quyền lợi của mình
-
Nếu quy định 100 triệu đồng trở lên không được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
-
Phải tiếp tục lắng nghe, trân trọng ý kiến của nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận