Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 01, kỳ I tháng 01 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 10 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 01, cụ thể như sau:

Bài viết “Tấm gương tiêu biểu của Tiến sỹ, Luật sư Phạm Văn Bạch” của tác giả Hoàng Kỳ mở đầu chuyên mục Xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân. Bài viết giới thiệu về Tiến sỹ, Luật sư Phạm Văn Bạch – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đầu tiên của nước ta.

Trong bài viết “Bàn về hình thức hợp đồng lao động điện tử”, tác giả Nguyễn Văn Tố Hữu nêu nhận định: “Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế Bộ luật Lao động năm 2012. Có thể khẳng định, đây là một khung pháp lý có tác động mạnh mẽ đến các bên trong quan hệ lao động. Trong đó, việc quy định về hình thức giao kết hợp đồng lao động bằng phương tiện điện tử (hay hợp đồng lao động điện tử) tại khoản 1 Điều 14 là một điểm mới của Bộ luật.”. Bài viết tập trung làm rõ, giải thích về khái niệm hợp đồng lao động điện tử, cũng như xác định giá trị pháp lý của hợp đồng lao động điện tử.

Trong bài viết “Một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong pháp luật hình sự”, tác giả Nguyễn Tất Trình có viết: “Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh quy định tại Chương XXX của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; hoặc người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trước khi bị kết án; hoặc trong khi thi hành án mà mắc bệnh lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.”. Bài viết phân tích một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong bài viết “Thực tiễn áp dụng tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Văn Vinh và Đặng Quang Dũng nêu quan điểm: “Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với 64 điều có quy định về tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính… mà còn vi phạm” trong tổng số 427 điều (bao gồm Điều 217a). Mặc dù vậy, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cho thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân trong trường hợp cá nhân đó “đã bị xử phạt vi phạm hành chính… mà còn vi phạm” rất khó khăn và phức tạp. Bài viết phân tích, luận giải những vấn đề về thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật nêu trên.

 Bài viết “Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tại Việt Nam – một số kiến nghị” của tác giả Nguyễn Xuân Văn có nêu: “Trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới, trong đó, sự ảnh hưởng đến tình hình tội phạm và công tác phòng, chống tội phạm là một trong các vấn đề đang rất được quan tâm. Trí tuệ nhân tạo đã mở ra những tiềm năng mới nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách đối với nhà nước, lực lượng chức năng trong nắm bắt tình hình, hoàn thiện chính sách pháp lý và khai thác các giá trị tích cực phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.”. Trong bài viết này, tác giả khái quát tình hình trí tuệ nhân tạo và tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, phân tích tác động của chúng đến công tác phòng, chống tội phạm và đưa ra một số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực này.

Trong bài viết “Một số vấn đề về “tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Hồ Quân có quan điểm: “Khi xã hội ngày càng phát triển, việc trao đổi thông tin được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó phổ biển nhất là sử dụng điện thoại di động, thư tín điện tử. Chính vì vậy, thư tín, điện thoại, điện tín nói chung đóng vai trò là những “kênh” quan trọng, chứa đựng nhiều thông tin về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh của mỗi cá nhân, đây là quyền không thể bị người khác xâm phạm. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong đó có quyền an toàn thư tín, điện thoại, điện tín được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà mỗi quốc gia thành viên đều phải tuân thủ thực hiện và trở thành một nguyên tắc hiến định. Trong pháp luật hình sự Việt Nam, chế tài đối với người xâm phạm bí mật thư tín được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Bài viết phân tích một số vấn đề về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, từ đó, đưa ra một số kiến nghị và đề xuất để hoàn thiện pháp luật.

Với bài viết “Bàn về hoạt động bảo vệ hiện trường trong giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa”, tác giả Bùi Công Thắng và Nguyễn Minh Tuấn nêu: “Tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đường thủy nội địa là những vụ việc mang tính đặc thù, với hiện trường rộng, phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết. Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều tra là công tác bảo vệ hiện trường.”. Bài viết tập trung trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Với bài viết “Xây dựng Tòa án điện tử ở một số quốc gia châu Á và kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Huỳnh Xuân Long cho rằng: “Việc xây dựng Tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Để nghiên cứu, xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam thì việc học tập kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết.”. Bài viết phân tích thực trạng xây dựng Tòa án điện tử ở một số quốc gia châu Á và đề xuất các kinh nghiệm cho Việt Nam.

Trong bài viết “Một số bất cập trong quy định về tặng cho và di tặng theo pháp luật dân sự Việt Nam”, tác giả Lê Thị Diễm Phương phân tích một số bất cập liên quan đến quy định về tặng cho và di tặng theo pháp luật dân sự Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới về tặng cho, di tặng, bài viết đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật dân sự Việt Nam về vấn đề này.

Trong bài viết “Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam”, tác giả Doãn Nhật Linh nêu nhận định: “Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, các hoạt động kinh doanh, thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ. Song song với đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc quy định về trọng tài sẽ có ý nghĩa đối với Việt Nam, nhằm hoàn thiện pháp luật về trọng tài nói chung và Luật Trọng tài thương mại năm 2020 nói riêng. Singapore và Úc là hai trong số các quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có nền trọng tài phát triển. Cơ chế giải quyết tranh chấp ở các quốc gia này được đánh giá là thân thiện, tạo cơ sở để phát triển việc giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, giảm gánh nặng cho hệ thống tư pháp, đồng thời thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh.”. Bài viết nghiên cứu pháp luật của Singapore và Úc về trọng tài thương mại, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị đối với pháp luật về trọng tài của Việt Nam.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 01, kỳ I tháng 01 năm 2023!

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn,     hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK