Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2019 xuất bản ngày 15/12/2019 với nhiều bài viết về các vấn đề, các lĩnh vực hiện đang rất được quan tâm. Chúng tôi xin gửi đến Bạn đọc một số nội dung chính, nổi bật trong các bài viết đăng tải trên Tạp chí TAND số 23.

Bài viết “Về đặc xá và đại xá trong pháp luật hình sự Việt Nam và định hướng tiếp tục hoàn thiện” của GS.TSKH. Lê Cảm và ThS. Mạc Minh Quang là một công trình khoa học công phu. Trong bài viết này, các tác giả nêu: “…hơn bao giờ hết trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp hiện nay ở Việt Nam, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về đặc xá và đại xá để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về mặt lập pháp các quy phạm liên quan đến 02 biện pháp tha miễn nhân đạo này rõ ràng là có ý nghĩa xã hội – pháp lý, khoa học – thực tiễn cấp bách và quan trọng”. Với nhận định này, các tác giả đi sâu vào phân tích khái niệm đặc xá và đại xá trong khoa học Luật hình sự, đồng thời nghiên cứu sâu về 02 biện pháp tha miễn mang tính nhân đạo này trong pháp luật hình sự Việt Nam trên bình diện lập pháp, lý luận và thực tiễn. Từ đó, các tác giả đã xác định nội hàm để đưa ra các khái niệm khoa học về đặc xá và đại xá cùng với những kiến nghị cụ thể để hoàn thiện hai chế định này trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự tiếp theo.

Với bài viết “Quản lý và xử lý vật chứng là động vật hoang dã trong các vụ án hình sự”, TS. Nguyễn Đức Hạnh nghiên cứu những nội dung liên quan đến các quy định của pháp luật và thực tiễn thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng là động vật hoang dã, trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất góp phần giải quyết các vụ án có liên quan đến động vật hoang dã một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ, khách quan và toàn diện hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, tội phạm buôn lậu ngày càng gia tăng với tính chất, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không riêng của cơ quan, tổ chức nào. Để thực hiện tốt việc đấu tranh phòng, chống tội phạm này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó một yêu cầu tất yếu được đặt ra đó là phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội danh này. Với bài viết: “Những vướng mắc trong việc xét xử tội phạm buôn lậu và giải pháp khắc phục” TS. Trần Thị Lịch đã chỉ ra các vướng mắc, bất cập khi áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý tội phạm này. Từ đó, tác giả đưa nêu ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Với bài viết “Hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và một số kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Hoàng Thịnh phân tích các quy định về hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời nêu ra những bất cập còn tồn tại và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trong bài viết “Bàn về quyền im lặng của bị can, bị cáo”, TS. Phạm Minh Tuyên đã nêu nguồn gốc quyền im lặng và quy định về quyền im lặng theo pháp luật Việt Nam. Cuối cùng tác giả đề cập đến các vấn đề pháp lý đặt ra khi sử dụng quyền im lặng trong thực tiễn.

Với bài viết: “Một số vấn đề về tội đưa hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 2015” tác giả Trần Trung Hiếu nhận định đây là tội phạm xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, thủ đoạn và cách thức thực hiện ngày càng tinh vi. Bộ luật Hình sự 2015 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng đã giúp cho việc xử lý tội phạm này được nhanh chóng, chính xác hơn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong các quy định của tội danh này đã được tác giả chỉ ra trong bài viết. Từ đó, tác giả đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể để việc hiểu và áp dụng pháp luật đối với tội đưa hối lộ được rõ ràng, thống nhất.

Bên cạnh đó, Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2019 còn đăng tải các bài viết về các chủ đề phong phú, đa dạng như: Bài viết“Các phương thức giao đất để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam” của ThS.NCS. Lê Hồng Hạnh và bài viết:“Những vấn đề cần phải chứng minh trong xét xử các tội xâm phạm sở hữu” của ThS. Vũ Minh Giám.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc!

BTK