Kiện đòi tài sản và  cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội theo thủ tục tố tụng dân sự

Kiện đòi tài sản và cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ kết tội theo thủ tục tố tụng dân sự là vấn đề mới, các tác giả đề xuất hướng sửa đổi, hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự và để có quy định phù hợp đối với các vấn đề này.

1.Khái quát chung về kiện đòi tài sản

1.1. Kiện đòi tài sản theo pháp luật dân sự, tố tụng dân sự hiện hành

Quyền đòi lại tài sản là quyền dân sự được ghi nhận cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật[1]. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật trả lại tài sản cho mình. Đòi tài sản được coi là một trong những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản quy định tại Mục 2 Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015[2].

Pháp luật dân sự bảo vệ quyền tài sản, quyền khác đối với tài sản không chỉ của chủ sở hữu mà cả của chủ thể có quyền khác đối với tài sản. Theo đó, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.[3]

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, họ cũng có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản (quyền đòi lại tài sản), chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.[4] Khi họ yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền đòi lại tài sản của mình thì Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết vụ án dân sự về kiện đòi tài sản (Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản)[5]. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết vụ án về kiện đòi tài sản được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

Như vậy, pháp luật dân sự, tố tụng dân sự quy định căn cứ để chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản là người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và vụ án kiện đòi tài sản được giải quyết theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định. Đồng thời, theo quy định tại Điều 155 BLDS thì trừ các trường hợp Bộ luật này hoặc luật khác có quy định khác, thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu.

1.2. Cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội và những vấn đề đặt ra

1.2.1. Khái quát quy định của một số quốc gia trên thế giới về cơ chế kiện đòi tài sản của Nhà nước

Qua nghiên cứu Tờ trình số 03/TTr-BTP ngày 25/2/2021 của Bộ Tư pháp Báo cáo Nghiên cứu, đề xuất xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan, chúng tôi rút ra một số nhận định về quy định của một số quốc gia trên thế giới về cơ chế kiện đòi, thu hồi tài sản của Nhà nước không qua thủ tục kết tội như sau:

Thứ nhất, các quy định cụ thể của mỗi nước về tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là khác nhau tuy nhiên, có thể nhận thấy điểm chung là việc thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đều xuất phát từ nhu cầu của quá trình hoạt động tố tụng hình sự (cơ chế tịch thu dân sự của cả 4 nước Úc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Đức đều bắt đầu là khi đã thu thập đủ bằng chứng và có căn cứ hợp lý để nghi ngờ tài sản hoặc một người liên quan đến tội phạm[6] hoặc điều tra chống tham nhũng). Do quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự mà phát sinh hoặc từ những khó khăn, hạn chế của tố tụng hình sự mà phát sinh nhu cầu cần có thủ tục để thu hồi tài sản không theo truyền thống tố tụng hình sự thông thường mà phải có những đặc thù nhất định để đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng. Thủ tục thu hồi tài sản có thể được xem là quy trình tố tụng hình sự (Đức) hay là quy trình tố tụng dân sự (Úc, Hoa Kỳ)[7].

Thứ hai, người có quyền khởi kiện vụ án dân sự hoặc đề xuất ra lệnh thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đều là Công tố viên/Cơ quan điều tra (cán bộ khởi kiện (thuộc cảnh sát Liên bang Úc), công tố viên– Thái Lan, Đức, cơ quan công tố liên bang Hòa Kỳ…).

Thứ ba, trình tự thủ tục kiện thu hồi tài sản là thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục tố tụng dân sự thông thường, ví dụ như áp dụng các nguyên tắc (1) đòi hỏi Tòa án phải xem xét, chấp nhận các chứng cứ được cho là có ưu thế về mức độ tin cậy đối với nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản khi chủ sở hữu không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay nói cách khác nghĩa vụ chứng minh thuộc về chủ sở hữu tài sản, những người liên quan khác – thủ tục thông báo cho những người liên quan là thủ tục chung mà các nước đều có quy định trước khi quyết định tịch thu tài sản; (2) Có việc ra lệnh sơ bộ hoặc lệnh hạn chế giao dịch (Úc) hoặc lệnh chặn thu giữ hoặc đóng băng tài sản nếu có khả năng tịch thu tài sản đó…trước khi có lệnh/quyết định tịch thu tài sản. Dường như các lệnh sơ bộ này có tính chất khẩn cấp, tạm thời…

Thứ tư, tài sản bị khởi kiện tịch thu không phải là tài sản được coi là sở hữu, chiếm hữu bất hợp pháp mà thường là tài sản đã được sở hữu, chiếm hữu thông qua các giao dịch hợp pháp (như mua bán chứng khoán, nhà đất, kinh doanh..) và người đang sở hữu, chiếm hữu tài sản phần lớn không phải là người đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự mà chỉ là “người có liên quan” với những người đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, căn cứ để tịch thu tài sản có thể dựa trên dấu hiệu làm giàu bất chính hoặc nguyên tắc không ai được hưởng lợi từ tài sản có được một cách bất hợp pháp và không chứng minh được nguồn gốc của tài sản.

1.2.2. Một số vấn đề đặt ra khi rà soát, xây dựng pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

a) Căn cứ để tịch thu/thu hồi tài sản

Căn cứ để tịch thu tài sản theo quy định của pháp luật các nước có thể là mối liên hệ giữa hành vi của một người với tội phạm, tài sản với tội phạm, người sở hữu hoặc chiếm giữ tài sản không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó, hoặc cán bộ nhà nước hoặc đã nghỉ việc nhà nước không quá hai năm và có tài sản thu về hoặc tích lũy một lượng tài sản bất thường hoặc tăng lên rõ rệt hoặc có được tài sản không chính đáng do thực hiện nhiệm vụ, quyền lực…

Những nội dung nêu trên cần được quy định cụ thể trong pháp luật về phòng chống tham nhũng hoặc một văn bản pháp luật riêng về vấn đề này. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 165 BLDS năm 2015 thì để đòi lại tài sản, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chứng minh rằng “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. Và theo nghiên cứu của chúng tôi, pháp luật phải có quy định về việc chiếm hữu tài sản trong những trường hợp như trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật thì mới có cơ sở để đề nghị tịch thu tài sản.

b) Quyền đề nghị thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

Hiện nay, theo quy định tại khoản 4 Điều 187 BLTTDS năm 2015 về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước, thì “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”. Điều luật này không giới hạn phạm vi cụ thể loại vụ án mà cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện. Vì vậy, có thể hiểu nhóm chủ thể này có quyền khởi kiện mọi loại vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật; trong đó, sẽ bao gồm khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản[8] để đòi lại tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền khác của công cộng hoặc của Nhà nước đã bị các chủ thể khác chiếm hữu.

Về tư cách tham gia tổ chức của cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước: Theo khoản 2 Điều 68 BLTTDS về đương sự trong vụ việc dân sự thì cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn. Với tư cách là nguyên đơn, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp[9].

Về quyền của cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước: Bên cạnh những quyền của đương sự/nguyên đơn thông thường, cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước có quyền kiến nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước[10].

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng bị trả lại đơn khởi kiện thì vẫn có quyền khởi kiện lại đối với những vụ án đòi tài sản mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.[11]

Tuy nhiên, khái niệm “cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình” được hiểu bao gồm những loại cơ quan nào thì chưa được làm rõ và quyền khởi kiện theo khoản 4 Điều 187 Bộ luật này, thường đang được hiểu là quyền khởi kiện dành cho các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước mà không nhằm tới cơ quan thực hiện hoạt động tố tụng là cơ quan điều tra hay cơ quan kiểm sát.

Như vậy, có thể nói, pháp luật Việt Nam đã có quy định về cơ chế để Nhà nước có thể thu hồi tài sản hay quyền, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước đã bị người khác chiếm hữu bất hợp pháp tuy nhiên đây là cơ chế được coi là dành cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; việc các cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể sử dụng cơ chế này để khởi kiện thu hồi tài sản tham nhũng hay không thì cần phải có những quy định cụ thể hơn.

c) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là một thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục tố tụng dân sự thông thường (như đánh giá kinh nghiệm quốc tế nêu trên) thì rõ ràng cần có sửa đổi, bổ sung thủ tục đặc thù, riêng biệt mà không phải là thủ tục giải quyết vụ án dân sự thông thường, có thể là thủ tục ra lệnh thu hồi tài sản (được quy định thủ tục riêng).

2. Một số đề xuất về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản không qua kết tội trong tố tụng dân sự

Để có cơ sở rõ ràng thực hiện cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội trong tố tụng dân sự, chúng tôi cho rằng sửa đổi, hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự và nghiên cứu, làm rõ để có quy định phù hợp đối với các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần rà soát các luật nội dung như BLDS, Luật Phòng, chống tham nhũng, BLTTHS, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ngân hàng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… để xác định loại tài sản, căn cứ, thời điểm khởi kiện để thu hồi đối với một tài sản.

Thứ hai, bổ sung các quy định mới trong tố tụng dân sự để giải quyết loại vụ án này như:

- Quy định rõ các cơ quan, người có quyền khởi kiện vụ án dân sự để thu hồi tài sản của Nhà nước. Chủ thể này nên là Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong phạm vi thực hiện chức năng, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự.

- Rà soát một số vấn đề pháp luật liên quan nếu quy định trong thủ tục tố tụng dân sự như

+ Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp trước khi khởi kiện vụ án dân sự nhằm phong tỏa những tài sản bị nghi ngờ là nguồn gốc bất minh.

+ Miễn thủ tục thu nộp án phí, lệ phí.

+ Nghĩa vụ chứng minh: Nguyên đơn và bị đơn đều có quyền và nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản, nhưng cần áp dụng đường lối xét xử theo nguyên tắc nếu bị đơn không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì tài sản sẽ bị thu hồi, ngay cả khi cơ quan Nhà nước không chứng minh được tài sản đó liên quan đến tội phạm như thế nào nhưng có thể chứng minh được mối liên quan giữa người sở hữu, chiếm hữu tài sản và người phạm tội (mặc dù người này chưa bị kết tội).

+ Thủ tục áp dụng Lệnh của Tòa án thu hồi tài sản; quyền khiếu nại, chứng minh đối với Lệnh này của Tòa án.

Trên đây là một số nghiên cứu bước đầu của chúng tôi về kiện đòi tài sản và cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ kết tội theo thủ tục tố tụng dân sự. Do đây là vấn đề mới, khó, thời gian tiếp cận ngắn nên chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến phản biện để góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế hữu ích này ở Việt Nam.

 

Tòa án nhân dân huyện Kbang, Gia Lai xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Đinh Ngọc Thảo


[1] Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự.

[2] Từ Điều 163 đến Điều 170 Bộ luật Dân sự.

[3] Điều 163 Bộ luật Dân sự.

[4] Điều 166 Bộ luật Dân sự.

[5] Khoản 2 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[6] Báo cáo nghiên cứu, đề xuất xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và hoàn thiện pháp luật liên quan của Bộ Tư pháp, tr 11, 16.

[7] Báo cáo nghiên cứu, đề xuất xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và hoàn thiện pháp luật liên quan của Bộ Tư pháp, tr 23.

[8] Khoản 2 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh.

[10] Điều 134 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[11] Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

NCS. PHAN THỊ THU HÀ, CN. PHÙNG THỊ HOÀN, CN. NGUYỄN THỊ HOA (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC)