Tòa án cấp phúc thẩm tuyên thế nào cho đúng quy định của tố tụng?

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm được quy định từ Điều 308 đến Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này và cách tuyên trong phần quyết định của bản án trong một số trường hợp vẫn còn gặp vướng mắc.

Tình huống pháp lý

Công ty TNHH QH có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, do hai thành viên sáng lập trong đó ông Q góp 60 tỷ, chiếm 75% vốn điều lệ và ông H góp 20 tỷ đồng, chiếm 25% vốn điều lệ. Ông Q cho rằng ông đã góp 8 tỷ tiền mặt và còn góp 4 chiếc xe ô tô để phục vụ kinh doanh vận tải theo tuyến cố định. Do ông Q là giám đốc công ty có văn bản gửi Sở giao thông vận tải đề nghị ngừng hoạt động 4 xe ô tô trên vì lý do sửa chữa, nhưng thực tế xe không hư hỏng gì.

Ông H cho rằng việc làm của ông Q đã xâm phạm quyền lợi của mình nên đã khởi kiện yêu cầu:

- Công ty QH và ông Q trả lại phần vốn góp là 8 tỷ đồng (theo các phiếu thu có chữ ký của giám đốc và thủ quỹ công ty);

- Bồi thường thiệt hại 1,2 tỷ đồng ông H đã chi trả để được quyền khai thác 3 tuyến xe.

- Bồi thường thiệt hại do không khai thác được xe tính theo thời gian xe bị ngừng hoạt động là 212.400.000 đồng.

Bản án sơ thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông P; ghi nhận sự tự nguyên của ông Q và ông H theo đó ông Q sẽ mua lại phần vốn góp của ông H tại công ty với giá 4 tỷ đồng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ông H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị đối với phần quyết định của bản án về yêu cầu hoàn trả lại 1,2 tỷ đồng cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H rút yêu cầu khởi kiện, kháng cáo đối với phần yêu cầu rút 8 tỷ đồng vốn góp khỏi công ty và phần yêu cầu trả lại 1,2 tỷ đồng. Bà H đồng ý với đề nghị này của ông P. Riêng phần bồi thường thiệt hại, ông P vẫn yêu cầu bồi thường 800.000.000 đồng do bị ngừng khai thác tuyến cố định đã đăng ký. Viện kiểm sát cũng rút toàn bộ kháng nghị.

Tòa án cấp phúc thẩm quyết định:

Áp dụng ……; các điều 289 và 299 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015,

Sửa bản án sơ thẩm 15/2020/DS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Y.

Xử:

1. Hủy, đình chỉ giải quyết nội dung khởi kiện, nội dung kháng cáo của ông P đối với yêu cầu Công ty phải trả lại 1,2 tỷ đồng và phần rút vốn khỏi công ty;

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông P về việc buộc Công ty PH và bà H phải bồi thường 800 triệu đồng.

3. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Y.

Những vấn  đề đặt ra trong cách tuyên án

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau trong cách tuyên của Tòa án cấp phúc thẩm trong tình huống nêu trên.

- Quan điểm 1:

Trong vụ án này, nguyên đơn rút kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện đối với 02 yêu cầu và bị đơn đồng ý. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, quy định này áp dụng trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì mới đình chỉ giải quyết vụ án, tức là đình chỉ giải quyết toàn bộ yêu cầu. Trong khi đó, ở trường hợp cụ thể này nguyên đơn chỉ rút đối với 2/3 yêu cầu, do vậy, có thể áp dụng tương tự và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đối với phần rút kháng cáo, rút yêu cầu khởi kiện này và đình chỉ giải quyết 2 yêu cầu đã rút của nguyên đơn.

Đối với yêu cầu còn lại, do nguyên đơn vẫn giữ kháng cáo và số tiền yêu cầu trong kháng cáo khác so với yêu cầu tại cấp sơ thẩm nên cấp phúc thẩm có quyền sửa một phần bản án sơ thẩm đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do không khai thác được xe.

- Quan điểm 2:

Quan điểm này cho rằng ở cấp phúc thẩm thì nguyên đơn chỉ được quyền rút đơn khởi kiện, tức là toàn bộ yêu cầu khởi kiện chứ không được rút một phần yêu cầu khởi kiện như tình huống vụ án nêu trên. Do vậy, trong trường hợp này Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ áp dụng khoản 3 Điều 289 để đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo bị rút. Tòa án sẽ không giải quyết việc rút một phần yêu cầu khởi kiện tại cấp phúc thẩm.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này hiện nay đang vướng với quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, trong đó quy định: Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Ở vụ án này, bị đơn thay đổi yêu cầu của mình theo hướng rút 2/3 yêu cầu tại cấp phúc thẩm, tức là trong quá trình giải quyết vụ án mà không được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét là trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Quan điểm 3:

Trong trường hợp này Tòa án có quyền sửa bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết đối với 2 yêu cầu do nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện. Đối với 1 yêu cầu còn lại, do nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, không rút kháng cáo nên Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xem xét giải quyết. Quan điểm này áp dụng quy định tại các điều 289 và 299 để quyết định. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, khoản 3 Điều 289 chỉ áp dụng đối với trường hợp rút một phần kháng cáo, nhưng không kèm theo việc rút một phần trong số các yêu cầu khởi kiện; Điều 299 thì lại chỉ áp dụng đối với việc rút toàn bộ các yêu cầu khởi kiện. Cả hai điều luật này không quy định về trường hợp rút kháng cáo và rút một phần yêu cầu khởi kiện tại cấp phúc thẩm, do vậy việc áp dụng điều luật như này cũng chưa thật chuẩn xác.

- Quan điểm 4:

Trong trường hợp này chỉ áp dụng khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để sửa bản án sơ thẩm. Bởi lẽ Điều 309 không ràng buộc về lý do sửa bản án sơ thẩm vì cấp sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật, hay vì lý do có tình tiết mới làm thay đổi kết quả giải quyết của cấp sơ thẩm, hoặc phạm vi giải quyết yêu cầu của đương sự đã bị thay đổi.

Góc nhìn từ thực tiễn

Chúng tôi cho rằng, cách áp dụng điều luật của quan điểm thứ tư để sửa bản án sơ thẩm đã khắc phục được những vướng mắc về quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như đã trình bày ở các quan điểm nêu trên nên có thể chấp nhận được. Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được áp dụng khi cấp sơ thẩm “quyết định không đúng pháp luật” mặc dù “việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định” (trường hợp 1); hoặc “quyết định không đúng pháp luật” do “việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ” (trường hợp 2). Trường hợp 1 là do nhận thức không đúng về pháp luật, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định không đúng pháp luật; nhưng ở trường hợp 2 là do thiếu các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho các tình tiết của vụ việc, dẫn đến việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định sai. Như vậy, nếu có tài liệu, tình tiết mới phát sinh (đương sự rút yêu cầu) ở cấp phúc thẩm và đủ cơ sở để Tòa án quyết định được thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể áp dụng khoản 2 Điều 309 để sửa bản án sơ thẩm.

Cũng theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì “xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”. Do vậy, khi sửa bản án sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của nguyên đơn khi nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, tương tự như ở cấp sơ thẩm.

Trong vụ án cụ thể này, Tòa án cấp phúc thẩm cũng tuyên theo cách tiếp cận thứ tư, nhưng lại áp dụng quy định tại các điều 289 và 299 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là chưa đúng. Bên cạnh đó, Tòa án cấp phúc thẩm cũng tuyên “hủy, đình chỉ giải quyết nội dung khởi kiện, nội dung kháng cáo của ông P đối với yêu cầu…” là không chính xác; không rõ “hủy” cái gì bởi lẽ không thể hủy việc giải quyết nội dung khởi kiện, nội dung kháng cáo được vì thẩm quyền này không được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

 

 

ThS TRẦN NGỌC THÀNH (Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp TANDTC)