Có được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu?
Sau khi ông, bà tôi qua đời thì cha, mẹ tôi đứng ra kê khai nhà đất đã quản lý, sử dụng hơn 30 năm. Vậy nhà đất mà ông, bà tôi để lại có xác lập quyền sở hữu cho cha, mẹ tôi theo thời hiệu không?
Hỏi: Ông nội tôi mất năm 1969, bà nội tôi mất năm 1973. Ông bà tôi sinh được ba người con trai, hai bác tôi đi nơi khác sinh sống, chỉ có cha tôi sống chung với ông, bà nội. Khi cha tôi kết hôn với mẹ tôi thì cha, mẹ tôi tiếp tục sống chung với ông, bà nội. Sau khi ông, bà tôi qua đời thì cha, mẹ tôi đứng ra kê khai nhà đất đã quản lý, sử dụng hơn 30 năm. Vậy nhà đất mà ông, bà tôi để lại có xác lập quyền sở hữu cho cha, mẹ tôi theo thời hiệu không?
(Trần Thảo Ngọc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)
Trả lời
Theo khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.
Căn cứ Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc cho phép xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu được quy định như sau: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, căn cứ theo các quy định trên của pháp luật thì để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu cần phải đáp ứng các điều kiện như sau: Việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng phải ngay tình, tức là người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật; việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một thời gian mà không có tranh chấp (chiếm hữu liên tục); việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm (chiếm hữu công khai); thời gian phải là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản. Do đó, việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đủ các điều kiện như nêu trên đương nhiên được công nhận.
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Thời hiệu thừa kế” thì:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.
Như vậy, đối với trường hợp của gia đình bạn thì nhà, đất do ông, bà nội của bạn để lại là di sản. Cha, mẹ của bạn là người được giao quản lý, sử dụng và đến nay cha, mẹ bạn đã quản lý nhà, đất trên 30 năm do đó được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi xin trả lời như vậy để bạn tham khảo.
Ảnh minh họa của Thái Vũ
Bài liên quan
-
Masterise Homes chính thức bàn giao Masteri Centre Point, xác lập chuẩn sống căn hộ cao cấp nhất khu Đông TP.HCM
-
Yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không phải là yêu cầu khởi kiện của đương sự
-
Lần 4: TAND quận 5 thụ lý giải quyết vụ việc “ “Yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản để thi hành án”
-
Biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận