Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 6 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 06 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay và 01 Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính của các bài viết như sau:

Với bài viết: “Đánh giá quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong sự so sánh với pháp luật nước ngoài”, tác giả hà Lệ Thủy tập trung phân tích, bình luận về quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời phân tích các quy định của pháp luật hình sự nước ngoài về các biện pháp xử lý ngoài hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Từ đó, đánh giá quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục quy định trong Bộ luật hình sự 2015 của Việt Nam so với pháp luật hình sự nước ngoài và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết: “Một số vấn đề về các tội phạm quy định tại các Điều 339, 340 và 341 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Vũ Thị Thúy nêu nhận định: Các tội phạm được quy định tại các điều 339, 340 và 341 Bộ luật Hình sự  2015 đều là những tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực quản lý chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác hoặc các giấy tờ, tài liệu thật; người phạm tội có hành vi giả mạo hoặc làm giả hoặc sửa, làm sai lệch các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Những hành vi phạm tội này xâm phạm các quan hệ xã hội có tính chất tương tự nhau và tính nguy hiểm cho xã hội tương đương nhau. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 quy định các dấu hiệu định tội trong các tội phạm này không theo một mô hình chung thống nhất nên đã dẫn đến sự bất hợp lý trong việc xử lý người phạm tội.

Để làm rõ nhận định trên, trong bài viết của mình, tác giả tập trung vào phân tích về dấu hiệu pháp lý của các tội phạm được quy định tại các điều 339, 340 và 341 BLHS 2015; từ đó chỉ ra một số điểm bất hợp lý về dấu hiệu định tội tại các điều 339, 340 và 341 BLHS 2015 và kiến nghị sửa đổi.

Với bài viết: Bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán bằng biện pháp dân sự – kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Phương Thảo cho rằng: Ở bất kỳ một thị trường chứng khoán nào, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư luôn được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng và cơ bản nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát triển thị trường chứng khoán ổn định, công bằng và bền vững. Sẽ không có một thị trường chứng khoán “mạnh khỏe” nếu như quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư – những người kiến tạo nên thị trường không được đảm bảo. Hiện nay có nhiều các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đang được thực hiện bao gồm các biện pháp hành chính, hình sự, dân sự, tài chính…và trong đó biện pháp dân sự là một trong các biện pháp đang ngày càng được sử dụng phổ biến trên các thị trường chứng khoán thế giới.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư bằng biện pháp dân sự; đồng thời chỉ ra một số hạn chế trong quá trình áp dụng các biện pháp dân sự để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Với bài viết: Về thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 – một số hạn chế, thiếu sót và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Văn Tuấn cho rằng:  Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chứa đựng nhiều điểm mới, tiến bộ như bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; hoàn thiện hơn quy trình tố tụng, quyền đưa ra chứng cứ chứng minh, bảo đảm quyền tranh luận tại phiên tòa của đương sự được quy định rõ ràng, đảm bảo tính thực tế, qua đó các quyền con người, quyền công dân trong pháp luật tố tụng dân sự  tuân thủ đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chiến lược cải cách tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ra đời đã tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm quy định tại trong phần thứ năm – thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Từ đó chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong bài viết: “Luật Phá sản năm 2014 và những bất cập, khó khăn trong việc áp dụng tại Tòa án”, tác giả Đào Chí Hướng cho rằng: Thực tiễn xét xử cho thấy, yêu cầu phá sản ngày càng gia tăng về số lượng nhưng tỷ lệ giải quyết thì có vẻ như theo chiều hướng ngược lại. Xu thế này thể hiện tính chất phức tạp của những yêu cầu phá sản hiện nay nhưng cũng thể hiện pháp luật phá sản nói chung và Luật Phá sản năm 2014 nói riêng còn tồn tại những bất cập, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật dẫn tới tiến độ giải quyết không cao. Do đó, cần phải có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định của Luật Phá sản năm 2014, từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể về một số nội dung như: về việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ có bảo đảm; về người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; về việc chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; về việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Trong bài viết: “Nguồn của luật hình sự theo pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới”, tác giả Lê Thị Diễm Hằng nêu nhận định: Nguồn của pháp luật nói chung được chia thành ba loại nguồn cơ bản: tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản (quy phạm) pháp luật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu nguồn của từng ngành luật đặc thù, lại có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có nguồn của luật hình sự hay nguồn quy định tội phạm. Hiện nay, trên thế giới, do những đặc thù riêng về vị trí địa lý, lịch sử phát triển và đặc điểm kinh tế, xã hội; dẫn đến hệ thống pháp luật của các quốc gia cũng có sự khác nhau. Từ đó, mỗi quốc gia có những lựa chọn nguồn riêng khi quy định tội phạm.

Trong bài viết này, ngoài Việt Nam, tác giả phân tích nguồn của luật hình sự một số nước như Hoa Kỳ – quốc gia có nền lập pháp phát triển đại diện tiêu biểu cho hệ thống thông luật (the Common law system); Cộng hòa Liên bang Đức – quốc gia đại diện cho hệ thống luật châu Âu lục địa (the Civil law system); Cộng hòa Liên bang Nga – một quốc gia có ảnh hưởng lớn đến ngành LHS Việt Nam và Trung Quốc – quốc gia láng giềng có vị trí địa lý và hệ thống chính trị tương đồng với Việt Nam.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2020!

BTK