Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2020
Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 6 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính của các bài viết như sau:
Với bài viết: “Một số vấn đề về xử lý vật chứng trong các vụ án về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm”, tác giả Trần Văn Độ cho rằng: “Bộ luật Hình sự 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng phạm vi đối tượng được luật hình sự bảo vệ, không chỉ Động vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999, mà còn bao gồm tất cả các loài Động vật hoang dã khác thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và nhóm IB theo quy định của Chính phủ Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015; đồng thời, bổ sung thêm tội vi phạm quy định về bảo vệ Động vật hoang dã quý hiếm thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (CITES) và nhóm IIB theo quy định của Chính phủ Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015.
Bộ luật Hình sự đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa và chống các hành vi nguy hiểm cho xã hội vi phạm các quy định về Động vật hoang dã. Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng đã xử lý nhiều vụ án về các tội quy định tại các Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015. Việc áp dụng pháp luật trong định tội và áp dụng hình phạt nhìn chung là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại tội phạm này.
Tuy nhiên, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc; trong đó, một trong những vướng mắc lớn là việc xử lý vật chứng trong các vụ án về các tội phạm này. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quan điểm lý luận, phân tích quy định pháp luật, làm sáng tỏ những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật và thực tiễn từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong áp dụng pháp luật xử lý vật chứng là động vật hoang dã.
đã nêu ra qua công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc; trong đó, một trong những vướng mắc lớn là việc xử lý vật chứng trong các vụ án về các tội phạm này. Vì vậy, việc nghiên cứu quan điểm lý luận, phân tích quy định pháp luật, làm sáng tỏ những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật và thực tiễn để có những giải pháp hữu hiệu trong áp dụng pháp luật là rất cần thiết.
Trong bài viết:“Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”,tác giả Nguyễn Thị Mai cho rằng: để việc xét xử của Tòa án thực sự “thấu tình đạt lý”, bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng, thì tại phiên tòa, Hội đồng xét xét phải tuyệt đối tuân theo các quy định của pháp luật, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng về xử lý tội phạm, người phạm tội.
Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm Vụ án hình sự trong thực tế còn bộc lộ nhiều bất cập, do quy định của pháp luật còn nhiều nội dung hạn chế, chưa thực sự phù hợp với thực tế khách quan cũng như yêu cầu đặt ra đối với hoạt động tranh tụng. Do đó, muốn nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa Xét xử sơ thẩm Vụ án hình sự cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật có liên quan.
Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích các yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa Xét xử sơ thẩm Vụ án hình sự; từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Với bài viết: “Một số vấn đề về giám đốc thẩm bản án sơ thẩm hoặc/và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”, tác giả Đặng Thanh Hoa cho rằng: Thực tiễn xét xử đã ghi nhận việc kháng nghị của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm có thể kháng nghị và đề nghị hủy bản án sơ thẩm hoặc/và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, cách giải quyết của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chưa thống nhất trong việc có tuyên hủy bản án sơ thẩm khi không có kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Từ thực tiễn nêu trên, trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, luận giải một số vấn đề như sau: (1) căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm và hệ quả đối với hiệu lực của bản án sơ thẩm; (2) mối liên hệ giữa phạm vi đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm và phạm vi kháng nghị giám đốc thẩm; và (3) quyền hủy bản án sơ thẩm/quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm khi không có kháng nghị bản án sơ thẩm/quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Trong bài viết: “Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tham ô tài sản”, tác giả Đặng Quốc Khởi tập trung phân tích quy định về tội tham ô tài sản từ lịch sử hình thành và phát triển. Từ đó, tác giả chỉ ra những bất cập trong thực tiễn áp dụng Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 và đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy phạm pháp luật về tội tham ô tài sản.
Trong bài viết: “Một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng Luật Thi hành án dân sự và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Hoàng Thị Thủy có nêu nhận định: Hoạt động thi hành án dân sự là giai đoạn tiếp theo của hoạt động xét xử của Tòa án. Để bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành một cách hiệu quả, thuận tiện, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức và Nhà nước đòi hỏi các quy định về thi hành án phải được xây dựng một cách cụ thể, rõ ràng. Hoạt động xét xử của Tòa án và hoạt động thi hành án có mối quan hệ đan xen nhau, cụ thể: Tòa án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo cho hoạt động xét xử theo quy định của pháp luật
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Thi hành án dân sự (theo văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 29 tháng 6 năm 2018) (sau đây gọi tắt là Luật THADS) vẫn còn một số vướng mắc, bất cập do chưa có sự tương thích với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá về một số nội dung chưa thống nhất giữa Luật Thi hành án dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ đó đưa ra những kiến nghị, hoàn thiện cụ thể.
Với bài viết: “Mô hình Thừa phát lại một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Vân Quỳnh có nêu nhận định: Chế định Thừa phát lại đã có từ lâu và được hình thành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, chế định Thừa phát lại ra đời và phát triển, ngày càng khẳng định địa vị pháp lý cũng như vai trò trong hoạt động tư pháp, góp phân nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, là một mô hình mới, nên vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện, cũng như những vấn đề pháp lý mới phát sinh liên quan đến cơ cấu, nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa phát lại. Do vậy, việc nghiên cứu các mô hình Thừa phát lại của các nước trên thế giới, nhằm kế thừa và học hỏi những kinh nghiệm hay là một trong những yêu cầu cần thiết hiện nay ở nước ta.
Trong bài viết này, tác giả tập trung khát quát chung về Thừa phát lại ở Việt Nam; đồng thời phân tích mô hình thừa phát lại ở một số nước trên thế giới; từ đó chỉ ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.
Với bài viết: “Giới hạn quyền tự do ngôn luận và một số gợi mở cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, của tác giả Mạc Thị Hoài Thương có nhận định: Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, việc giới hạn tự do ngôn luận phải đáp ứng đồng thời cả ba căn cứ: (1) Việc giới hạn phải được quy định trong luật, hơn thế, luật đó phải quy định một cách rõ ràng, cụ thể để các cá nhân có thể tuân thủ; (2) Giới hạn phải nhắm đến một mục đích chính đáng; (3) Giới hạn là cần thiết và tuân thủ nguyên tắc tương xứng, biện pháp giới hạn phải là phương tiện ít xâm hại nhất trong số những biện pháp nhằm bảo vệ và phải tương xứng với lợi ích cần được bảo vệ. Để làm rõ hơn các căn cứ chính đáng cho việc giới hạn, các chuyên gia nhân quyền đã thảo luận và hình thành nên Các Nguyên tắc Siracusa về giới hạn và đình chỉ các điều khoản trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (năm 1985) và Các Nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin (năm 1996). Hai bộ nguyên tắc này đã làm rõ thêm nội hàm của các căn cứ để có thể hạn chế quyền như “trật tự công cộng”, “sức khỏe của công chúng”, “đạo đức cộng đồng”, “an ninh quốc gia”.
Trên Tạp chí Tòa án nhân dân số này, chúng tôi còn đăng tải một số các bài viết thể hiện các quan điểm khác nhau trao đổi về bài viết: “Nguyễn Văn B và Lê Hoàng H có phạm tội – phạm tội gì? Để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất trong thực tiễn
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2020!
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp