Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2019
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2019 xuất bản ngày 15 tháng 9 năm 2019. Trong số này, Tạp chí trân trọng giới thiệu tới bạn đọc 7 bài viết về các lĩnh vực đa dạng, hấp dẫn cùng 1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trong chuyên mục Bình luận, với bài viết “Về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015”, TS. Phạm Minh Tuyên nhận định: “Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2014, Luật Việc làm năm 2013 thì việc tham gia các loại bảo hiểm nêu trên là nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) cũng như người sử dụng lao động. Khoản 1 Điều 186 Bộ luật Lao động khẳng định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”. Mặc dù pháp luật chuyên ngành là Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) đã xác định các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm và quy định những chế tài xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm này, tuy nhiên, các chế tài chưa đủ mạnh để hạn chế, ngăn ngừa. Ví dụ theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH quy định: “Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng…”. Chính vì vậy, tình trạng vi phạm pháp luật bảo hiểm trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, người tham gia bảo hiểm, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.”. Từ đó, tác giả đi sâu vào bình luận, phân tích cấu thành tội phạm của các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, đồng thời, chỉ ra những điểm chưa rõ ràng, vướng mắc trong quá trình áp dụng xử lý các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm và nêu kiến nghị hướng dẫn để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật.
Mở đầu chuyên mục Diễn đàn, LS. Nguyễn Thị Tuyết có bài viết “Bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra và trách nhiệm thanh toán tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng”. Tác giả bàn về thực trạng một số nhân viên chăm sóc khách hàng lợi dụng cơ chế “đặc biệt linh hoạt” của các Ngân hàng, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Thông qua một số tình huống cụ thể trong thực tiễn, tác giả phân chia các hành vi phạm loại tội này thành ba trường hợp, đồng thời nêu ra các các quan điểm khác nhau về việc xác định tư cách bị hại và giải quyết trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm thanh toán thẻ tiết kiệm. Từ đó, tác giả đi sâu vào bình luận, phân tích cơ sở lý luận để đưa ra cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra và trách nhiệm thanh toán tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng một cách đầy thuyết phục.
Bài viết “Một số vấn đề về giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn đã làm rõ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về khiếu nại đối với bản cáo trạng; thực tiễn áp dụng có sự khác nhau và kiến nghị liên ngành Trung ương sớm có hướng dẫn để bảo đảm thống nhất thực hiện.
Trong bài viết “Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục rút gọn và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Phạm Tuân đã so sánh, đánh giá quy định về thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 ở các khía cạnh: (1) Phạm vi, điều kiện áp dụng; (2) Áp dụng thủ tục rút gọn, hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; (3) Thời hạn tạm giữ, tạm giam; thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; (4) Thủ tục xét xử. Từ đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Tác giả Ngô Ngọc Diễm có bài viết “Một số vấn đề về tội phạm về môi trường trong quy định của pháp luật hình sự”, với nhận định: “Việt Nam hiện nay đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ đã đạt được về mặt kinh tế, xã hội…, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với sự suy thoái và khủng hoảng của môi trường tự nhiên. Việc khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, nạn buôn bán, sử dụng động vật hoang dã quý, hiếm, hay mới đây nhất, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đánh giá Việt Nam và những quốc gia đang phát triển đang có nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghiệp của thế giới. Việc bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự (PLHS) không chỉ là phương tiện để thực hiện chiến lược, chương trình, chính sách bảo vệ môi trường quốc gia, mà còn là một trong những bảo đảm cho việc thực hiện quyền sống trong môi trường trong lành của công dân – quyền này cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đây chính là cơ sở cho nhà làm luật nước ta tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Đồng thời, thể hiện được trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu nói chung và thực thi các Công ước quốc tế bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói riêng”. Bằng bài viết của mình, tác giả làm rõ nội hàm khái niệm về tội phạm môi trường, phân loại các tội phạm về môi trường và phân tích một số điểm mới của BLHS 2015 về các tội phạm về môi trường.
Khép lại Chuyên mục Diễn đàn là bài viết “Áp dụng Công ước viên 1980 trong giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa quốc tế tại Việt Nam” của ThS. Nguyễn Hữu Hoàng. Tác giả trình bày khái quát về Công ước của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và lợi ích đem lại cho Việt Nam khi gia nhập Công ước và thực tiễn áp dụng CISG tại Việt Nam; đồng thời, nêu một số kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng CISG tại Việt Nam.
Trong chuyên mục Tham khảo, với bài viết “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam”, các tác giả Trần Minh Anh và Nguyễn Phương Thảo phân tích quy định của Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả, từ đó so sánh quy định của pháp luật Việt Nam để đánh giá một số ưu điểm mà Việt Nam có thể học tập.
Ngoài ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 còn giới thiệu tới bạn đọc Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Xin trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2019!
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2