Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2019
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2019 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2019. Trong số này, Tạp chí giới thiệu tới quý độc giả 08 bài viết về các lĩnh vực pháp luật khác nhau hiện đang được nhiều bạn đọc trong và ngoài hệ thống Tòa án quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và 01 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trong bài viết “Những vấn đề về thế chấp tài sản nên phát triển thành Án lệ”, PGS. TS. Đỗ Văn Đại nhận định: “Nghiên cứu thực tiễn xét xử, đối chiếu với văn bản hiện hành cho thấy có một số vấn đề về thế chấp tài sản chưa có quy định cụ thể. Trong bối cảnh như vậy, việc xem xét một số bản án, quyết định của Tòa án về thế chấp tài sản để phát triển thành án lệ là việc nên làm.”. Trong bài viết này, tác giả tập trung vào phân tích các quy định của pháp luật về hiệu lực của thế chấp, về xác định tài sản thế chấp để xử lý, về xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, từ đó chỉ ra sự chưa rõ ràng của các quy định pháp luật dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn thiếu thống nhất. Cùng với việc đưa ra một số bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phù hợp trong giải quyết các tình huống nêu trên, tác giả nêu quan điểm cần phát triển án lệ.
Với bài viết “Vai trò của Tòa án trong việc triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019”, TS. Nguyễn Văn Nam – Học viện Tòa án cho rằng: “Tòa án với vai trò quan trọng trong quá trình thi hành án, do đó, việc hướng dẫn các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong thi hành án hình sự (THAHS) là nhiệm vụ trọng tâm trong thi hành án.”. Trong bài viết của mình, tác giả lần lượt đi vào phân tích một số vấn đề lý luận về vai trò của Tòa án trong Thi hành án hình sự; chỉ ra các điểm mới về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án quy định trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019; từ đó, tác giả đưa ra gợi mở một số nhiệm vụ cơ bản của Tòa án trong việc triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Trong bài viết “Bình luận Án lệ số 01/2016/AL”, tác giả Tưởng Duy Lượng đưa ra những phân tích và bình luận vô cùng sâu sắc các nội dung của án lệ. Tác giả cho rằng: “Trong cấu thành tội giết người và tội cố ý gây thương tích có những khác biệt lớn, nhưng đồng thời cũng có những dấu hiệu giống nhau, đó là, tội giết người và tội cố ý gây thương tích đều có chung một đối tượng tác động là thân thể con người; hành vi khi tác động tới thân thể có thể là bắn, chém, đánh… có thể bằng hành động hoặc không hành động, hậu quả xảy ra cũng có trường hợp giống nhau…. trong thực tiễn xét xử, không ít trường hợp nhầm lẫn (do ranh giới phân biệt trên thực tế có lúc cũng mỏng manh, khó khăn khi xác định ý chí đích thực của chủ thể). Xét một cách công bằng, khi hậu quả giống nhau thì không dễ dàng phân biệt giữa giết người hay chỉ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Có lẽ vì thế mà đôi khi chỉ thiếu một chút kinh nghiệm, thiếu một chút kiến thức, chưa đủ độ sâu; một chút lơ là chưa nghiên cứu kỹ, chưa suy ngẫm kỹ các tình tiết trong hồ sơ thì khó tránh khỏi xét xử sai.”. Từ đó, tác giả nêu ra sự cần thiết khi ban hành Án lệ số 01/2016/AL. Trong bài viết, tác giả phân tích rất cụ thể nội dung án lệ này, đồng thời chỉ ra tính ứng dụng của án lệ trong thực tiễn.
TS. Nguyễn Tú nhận định trong bài viết “Giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định CPTPP – công nhận và cho thi hành ở Việt Nam”: “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây viết là Hiệp định CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm có 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam.
Bên cạnh các chính sách về thương mại như thuế, xuất xứ hàng hóa, thương mại dịch vụ, v.v… thì chính sách đầu tư cũng là một phần quan trọng trong Hiệp định CPTPP, trong đó quy định những nội dung liên quan đến các vấn đề nhằm thực hiện tự do hóa đầu tư, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư từ các quốc gia thành viên. Cũng giống như các hiệp định về đầu tư, Hiệp định này quy định các nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với nhà đầu tư, nghĩa vụ về không phân biệt đối xử, nghĩa vụ về bảo đảm quyền sở hữu tài sản,… Tuy nhiên, so với các hiệp định về đầu tư trước đây, Hiệp định CPTPP được xem là một loại hiệp định thế hệ mới, quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn và khắc phục nhiều vấn đề liên quan, trong đó có nội dung liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư.”. Từ nhận định này, tác giả chỉ ra các quan hệ có thể phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư; các hình thức giải quyết tranh chấp theo Hiệp định CPTPP; thẩm quyền giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết. Cuối cùng, tác giả đi đến kết luận và nêu kiến nghị để tránh bị khiếu kiện trong tranh chấp đầu tư.
Với bài viết “Một số vấn đề về chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015”, ThS. Vũ Đức Việt và Trần Doãn Hưng đánh giá những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về chuẩn bị phạm tội để phân tích những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về chuẩn bị phạm tội.
Tác giả Trịnh Tuấn Anh và Lê Thanh Hùng nhận định trong bài viết “Pháp luật về quản lý tiền ảo của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam” như sau: “Mặc dù thiếu vắng các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng thực tế tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, việc kinh doanh tiền ảo đã và đang diễn ra rất sôi động với phạm vi ngày càng được mở rộng. Điều này đã dẫn đến việc phát sinh rất nhiều tranh chấp và người phải gánh chịu toàn bộ rủi ro thường chính là những người tham gia. Đồng thời, việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của thị trường tài chính cũng như trật tự an toàn xã hội. Trong bối cảnh chung như vậy, ngày 21/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1255 Phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Trên cơ sở đề án này, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Quy định này một cách gián tiếp đã đặt các giao dịch tiền ảo vào một tình trạng pháp lý không xác định được vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai, nội dung của chỉ thị cũng không rõ là cấm hay không cấm. Việt Nam từng có những cảnh báo từ ngân hàng Nhà nước về rủi ro của đồng tiền ảo, cũng như không thừa nhận giá trị pháp lý của tiền ảo, tuy nhiên sau khi đồng tiền ảo phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam thì chúng ta bắt đầu có những quan tâm nhất định.”. Từ nhận định này, các tác giả nghiên cứu quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới về quản lý tiền ảo và đưa ra một số đề xuất gợi mở cho Việt Nam.
Ngoài ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 cũng đăng tải các bài viết: “Hòa giải trong vụ án hình sự” của ThS. Nguyễn Thị Hoa Mai và Đỗ Thị Thu Hằng; “Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về tội mua bán trái phép chất ma túy” của ThS. Chu Tấn Hải; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐTP ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 22, kỳ II tháng 11 năm 2019./.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam