Không xác định Nguyễn Văn A phạm tội với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” là đúng

Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn A có phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” hay không?” của tác giả Đỗ Ngọc Bình đăng ngày 05/10/2023 và các tác giả thảo luận, tôi cho rằng Viện kiểm sát không xác định Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” đúng theo quy định của pháp luật.

1. Không có căn cứ xác định Nguyễn Văn A đã tái phạm

Đồng tình với quan điểm Viện kiểm sát, không xác định Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS mà chỉ đánh giá vào nhân thân là đúng theo quy định của pháp luật, giải thích như sau:

Nguyên tắc suy đoán vô tội và ngày kết án: Quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội nêu rõ rằng người bị buộc tội được xem là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Điều này đặt ra một yêu cầu rằng ngày kết án chính là thời điểm quyết định chính thức về tội phạm của người đó. Do đó, thời điểm xảy ra hành vi phạm tội mới, trong trường hợp này là ngày 14/5/2022, xảy ra trước ngày kết án về hành vi vi phạm trước đó vào ngày 23/6/2022.

Thời điểm ghi nhận tội phạm mới: Một phần quan trọng của xem xét tình tiết “tái phạm” là thời điểm ghi nhận tội phạm mới. Nếu tội phạm mới được thực hiện sau khi người đó đã bị kết án và hình phạt chưa được xóa án tích, thì nó có thể được coi là một trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tội trộm cắp tài sản xảy ra trước khi Nguyễn Văn A bị kết án về tội đánh bạc.

Không có án tích về tội trộm cắp tài sản: Qua nguyên tắc suy đoán vô tội và việc tội trộm cắp tài sản xảy ra trước ngày kết án đối với tội đánh bạc, không có án tích hay xác nhận rõ ràng rằng A đã vi phạm tội trộm cắp tài sản tại thời điểm đó. Do đó, không có căn cứ để coi A đã phạm tội trộm cắp tài sản trước ngày kết án về tội đánh bạc.

2. Vướng mắc, bất cập của luật khi áp dụng tình tiết “tái phạm” là cần thiết nhưng không thể áp dụng

Khái niệm tái phạm không phản ánh đầy đủ mức độ của tội phạm: Luật quy định rằng tái phạm xảy ra khi một người đã bị kết án, chưa xóa án tích, và sau đó thực hiện một hành vi phạm tội mới. Tuy nhiên, khái niệm này không luôn phản ánh đầy đủ mức độ của tội phạm. Trong trường hợp nguyên cứu, hành vi trộm cắp tài sản xảy ra trước ngày kết án về tội đánh bạc, nhưng việc xem xét có áp dụng tình tiết “tái phạm” dựa trên thời điểm kết án không phản ánh cơ cấu thời gian của các hành vi tội phạm.

Cơ cấu thời gian của tội phạm trong nguyên cứu: Vấn đề của cơ cấu thời gian trong vụ án nguyên cứu gây ra sự mâu thuẫn trong việc xác định xem liệu tình tiết “tái phạm” nên được áp dụng hay không. Hành vi trộm cắp tài sản xảy ra trước khi kết án về tội đánh bạc, nhưng việc xem xét có áp dụng tình tiết “tái phạm” được dựa trên thời điểm kết án chứ không phải thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Sự cần thiết của việc xem xét lại luật và những cân nhắc điều chỉnh: Vụ án này đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của việc xem xét lại quy định về tình tiết “tái phạm” trong pháp luật. Có thể cần xem xét lại cách thức áp dụng tình tiết “tái phạm” để đảm bảo rằng nó phản ánh đúng mức độ và thời gian của các hành vi tội phạm. Sự bất cập trong việc áp dụng tình tiết “tái phạm” trong trường hợp như vụ án này đòi hỏi cân nhắc và điều chỉnh cụ thể trong quy định pháp luật. Điều này có thể giúp đảm bảo rằng luật pháp phản ánh đúng mức độ và tình tiết của tội phạm trong các trường hợp cụ thể.

* Tòa án quân sự Quân khu 3

Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Nguyễn Khánh 

DUY LINH*