Phải áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm” đối với A

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Đỗ Ngọc Bình đăng ngày 05/10/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng trong trường hợp này Nguyễn Văn A phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “tái phạm”.

Theo điểm a khoản 2 Điều 70 BLHS: 

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

 a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;”

Như vậy, người bị kết án sẽ đương nhiên được xóa án tích mà không cần quyết định của tòa án kể từ khi người này chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, chấp hành xong hình phạt bổ sung (nếu có) và các quyết định khác của bản án như án phí, bồi thường dân sự,… và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định được quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS.

Cụ thể, 01 (một) năm đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 (hai) năm đối với trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 (ba) năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 05 đến 15 năm; 05 (năm) năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Việc xác định người phạm tội có đương nhiên được xóa án tích hay không cũng cần căn cứ vào thời điểm có thực hiện hành vi phạm tội mới hay không chứ không xác định dựa vào thời điểm khởi tố, truy tố hay xét xử hành vi phạm tội mới. Trong vụ án trên, Nguyễn Văn A bị TAND tỉnh Đ xử phạt tiền 100 triệu đồng về hành vi đánh bạc và ngày 27/7/2022, Nguyễn Văn A đã chấp hành xong hình phạt tiền và các quyết định khác của bản án nên thời điểm bắt đầu tính để xóa án tích là ngày 27/7/2022. A bị áp dụng hình phạt tiền, do đó thời gian để đương nhiên được xóa án tích là 01 năm, kể từ ngày 27/7/2022 nếu trong khoảng thời gian này, A không thực hiện hành vi phạm tội mới. Tuy nhiên, ngày 14/5/2022, A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và thỏa mãn cấu thành tội phạm. Do vậy, A đã vi phạm điều kiện “không thực hiện hành vi phạm tội mới” nên A chưa được đương nhiên xóa án tích theo khoản 2 Điều 70 BLHS.

Đối với tình tiết tăng nặng TNHS “tái phạm”, căn cứ khoản 1 Điều 53 BLHS:

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”.

Như vậy, để xác định có tái phạm hay không cần xác định người phạm tội đã bị kết án, đã được xóa án tích hay chưa? Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới với lỗi cố ý hay vô ý? Loại tội phạm là gì? Trong vụ án trên, như đã phân tích, A bị TAND tỉnh Đ kết án về tội đánh bạc và chưa được xóa án tích, tuy nhiên A lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, tức là thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý nên A phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “tái phạm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 173 BLHS.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả./.

Tòa án nhân dân huyện Kon Plông, Kon Tum xét xử vụ án  “Trộm cắp tài sản” - Ảnh: Dũng Mạnh

 

[1] Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7

NGUYỄN THANH HUYỀN*