Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và kiến nghị hoàn thiện

BLHS năm 2015 đã quy định khá rõ ràng về các điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hiện nay còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được cơ quan lập pháp ban hành văn bản hướng dẫn.

1. Điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 BLHS là một trong bảy loại hình phạt chính và là hình phạt thuộc nhóm hình phạt không tước tự do; hình phạt này nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn nhưng nặng hơn hình phạt tiền và cảnh cáo.

Để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì người phạm tội phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Người phạm tội phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; / Người phạm tội phải đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng.

Thời hạn của hình phạt cải tạo không giam giữ là từ 6 tháng đến 3 năm.

Hình phạt cải tạo không giam giữ cũng là một trong bốn hình phạt chính áp dụng đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi được quy định tại các Điều 98, 100 của BLHS. Ngoài điều kiện chung (có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng quy định tại Điều 36 BLHS), Điều 100 BLHS quy định cụ thể về điều kiện cho phép áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong hai trường hợp:

- Đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng nếu tội phạm đã thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng.

- Đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng nếu họ phạm tội rất nghiêm trọng.

Cần lưu ý trong việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người đủ 18 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi như sau:

Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước, việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng (một số trường hợp đặc biệt có thể được miễn việc khấu trừ thu nhập, không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự). Trong trường hợp không có hoặc mất việc làm, người bị kết án phải lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần. Việc buộc lao động này không được áp dụng đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.

Đối với người phạm tội dưới 18 tuổi bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ không bị khấu trừ thu nhập đối với họ và thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi không được vượt quá ½ thời hạn mà điều luật quy định.

2. Một số vướng mắc, bất cập 

Có thể nói các điều 36, 100 BLHS đã quy định khá rõ ràng về các điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử việc quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

2.1.Thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ thời điểm nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 thì “Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP đã nằm trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TANDTC được quy định tại Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 8/10/2021, hiện nay chưa có văn bản mới hướng dẫn về vấn đề này, điều này đã gây không ít khó khăn cho việc tuyên thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ.

Hiện nay, có hai quan điểm về cách tính thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Áp dụng tinh thần Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP thì thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

- Quan điểm thứ hai cho rằng thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là ngày người bị kết án chấp hành án.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ theo quy định tại Điều 96 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Toà án phải gửi quyết định cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong đó có Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. Đồng thời theo Điều 97 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ thì “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án. Người chấp hành án, người đại diện của người chấp hành án phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan…”.

Trên thực tế, có trường hợp người bị kết án khi được triệu tập lần đầu vì lý do khách quan nên họ không thể có mặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú để làm cam kết việc chấp hành án; do đó việc thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án chưa được thực hiện, vì vậy không thể tính thời điểm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Do vậy, việc tính thời điểm chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ kể từ khi người bị kết án chấp hành án là hợp lý.

2.2.Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý nếu điều luật, các khoản của điều luật áp dụng không quy định hình phạt cải tạo không giam giữ thì tính thời hạn cải tạo không giam giữ cho người phạm tội như thế nào?

Ví dụ: Ngày 16/7/2021, Nguyễn Văn A (sinh năm 2007) đã có hành vi dùng dao chém anh Nguyễn Văn B, hậu quả anh B bị tử vong. Nguyễn Văn A bị VKS  huyện C truy tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác dẫn đến chết người” là tội phạm rất nghiêm trọng quy định tại khoản 4 Điều 134 của BLHS. Khi xác định hình phạt đối với Nguyễn Văn A, có quan điểm cho rằng A không được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ vì khoản 4 Điều 134 BLHS chỉ quy định hình phạt duy nhất là hình phạt tù (từ 07 năm đến 14 năm).

Quan điểm của tôi cho rằng: Trong trường hợp này A vẫn được áp dụng hình phạt cải tại không giam giữ vì khi thực hiện hành vi phạm tội A mới 15 tuổi, có nhân thân tốt, đối chiếu với khoản 1 Điều 100 BLHS thì A vẫn được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

2.3.Hiểu như thế nào về điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ “xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi đời sống xã hội”?

Đối với điều kiện xét thấy không cần thiết cách ly người phạm tội khỏi xã hội, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến sự tùy nghi trong nhận thức và áp dụng của Tòa án khi xét xử. Nhiều trường hợp Tòa án ngại xem xét, đánh giá để áp dụng và bỏ qua vấn đề này khi quyết định hình phạt dẫn đến bất lợi người phạm tội vì phải chịu hình phạt khác nghiêm khắc hơn, trong khi đủ điều kiện để được áp dụng và chỉ cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật 

Một là: Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về thời điểm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ để thay thế Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 theo đó: Quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày người bị kết án chấp hành án.

Hai là: Cần ban hành văn bản hướng dẫn cách áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý trong trường hợp điều luật, các khoản của điều luật áp dụng không quy định hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm đảm bảo công bằng cho đối tượng phạm tội đặc biệt này cũng như đảm bảo tính giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh.

Ba là, theo tác giả để xác định người phạm tội có đủ điều kiện để xem xét là không cần thiết cách ly khỏi xã hội thì trước hết phải dựa vào nhân thân của người phạm tội. Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội cần cân nhắc là những đặc điểm nhân thân như sau:

(1) Đặc điểm nhân thân của người phạm tội có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tiền sự, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không, là người chưa đủ 18 tuổi hay đủ 18 tuổi…;

(2) Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội phản ánh khả năng giáo dục của họ như có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay có thái độ ngoan cố…;

(3) Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ như là người bị bệnh hiểm nghèo, già yếu, phụ nữ có thai, người có hoàn cảnh bản thân hay gia đình đặc biệt khó khăn… Qua việc xem xét các đặc điểm về nhân thân nêu trên, nếu được đánh giá là có nhân thân tốt thì việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cũng đạt được mục đích trừng trị và giáo dục người phạm tội.

 

Tòa án nhân dân Tp Kon Tum, tỉnh Kin Tum  xét xử vụ án Mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: Chung Loan

HOÀNG THỊ THU PHƯƠNG (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 3)