Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2022. Trên bài Giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 07 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 18, cụ thể như sau:

Với bài viết “Khám nghiệm hiện trường theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành”, tác giả Lê Văn Công nhận định: Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự theo yêu cầu của pháp luật. Các chứng cứ chứng minh bao gồm chứng cứ vật chất và chứng cứ phi vật chất. Trong đó, để thu thập các chứng cứ vật chất, cơ quan chức năng có thể tiến hành một số hoạt động điều tra khác nhau. Bài viết phân tích, so sánh các quy định về hoạt động khám nghiệm hiện trường được quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm chỉ rõ những điểm mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cần thiết phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. 

Trong bài viết “Một số hạn chế, vướng mắc khi tổ chức phiên tòa hình sự trực tuyến và đề xuất, kiến nghị", tác giả Phạm Thị Tuyết Mai - Nguyễn Thị Thu Hằng nêu nhận định: Nhằm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, sự ra đời của Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó có phiên tòa hình sự trực tuyến là một yêu cầu khách quan. Bài viết phân tích quy định về phiên tòa hình sự trực tuyến, từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Với bài viết “Bàn về việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tác giả Phạm Phương Thảo cho rằng: So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phân hóa rõ ràng hơn trách nhiệm hình sự của người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tương ứng với từng mức độ thiệt hại. Từ đó, việc áp dụng pháp luật được rõ ràng và sát với hành vi phạm tội hơn. Song trong thực tiễn xét xử vẫn có những nhận thức khác nhau về vấn đề định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Bài viết phân tích một số vấn đề về định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội này.

Trong bài viết “Nguyên tắc áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội trong pháp luật hình sự hiện hành - khó khăn, vướng mắc và một số đề xuất, kiến nghị, tác giả Nguyễn Thị Thủy Triều cho rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm áp dụng triệt để nguyên tắc áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng hoặc áp dụng không đúng hoặc không đầy đủ, có thể dẫn đến phán quyết không phù hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự, cũng như chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến nguyên tắc áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội, đưa ra những tình huống pháp lý cụ thể từ thực tiễn xét xử, từ đó, chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật.

Với bài viết “Áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện, tác giả Hoàng Vũ Cường- Lê Thanh Hà tập trung nghiên cứu việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện, thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Án lệ số 44/2021/AL của Tòa án nhân dân tối cao. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật. 

Trong bài viết “Bàn về một số vấn đề của chế định đại diện trong giao dịch dân sự ”, tác giả Chu Thị Lam Giang phân tích và đánh giá một số vấn đề cơ bản của chế định đại diện trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như mục đích, tính nhân danh của chủ thể trong quan hệ đại diện, phạm vi đại diện. Trên cơ sở đó, bài viết kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự về đại diện.

Với bài viết “Quyền ngắt kết nối của người lao động trong thời kỳ số hóa - kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang- Nguyễn Phan Nam tập trung phân tích quyền ngắt kết nối tại một số quốc gia trên thế giới trong bối cảnh quá trình số hóa đang ngày càng mạnh mẽ, các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lao động đã xuất hiện. Bên cạnh đó, phân tích khả năng áp dụng quyền ngắt kết nối tại Việt Nam trong tương lai.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK